Multimedia Đọc Báo in

Gắn bó với nghề đan giỏ ni-lông

10:21, 26/12/2019
Dễ làm, không gò bó thời gian, hơn 30 năm qua, chị Nguyễn Thị Dịu Hiền (SN 1972) ở thôn 1 (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) đã gắn bó và có nguồn thu nhập ổn định từ nghề đan giỏ ni-lông.

Chị Hiền quê ở xóm đạo Cù Lao Giêng (thuộc xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) - cái nôi của nghề đan lát nổi tiếng vùng Tây Nam Bộ. Năm 17 tuổi chị Hiền đã đan lát thành thạo. Sau này, khi lên Đắk Lắk định cư, chị vẫn gìn giữ và phát triển kinh tế bằng nghề đan lát của quê nhà.

Chị Nguyễn Thị Dịu Hiền  (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột)  đang hoàn thiện những chiếc giỏ  ni-lông.
Chị Nguyễn Thị Dịu Hiền (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) đang hoàn thiện những chiếc giỏ ni-lông.

Kỹ thuật đan giỏ ni-lông không quá phức tạp, người thợ chỉ cần học qua lý thuyết và thực hành 7 - 10 ngày là có thể đan được sản phẩm. Mẫu mã giỏ ni-lông rất đa dạng tùy theo yêu cầu đặt hàng của các cơ sở. Chị Hiền chia sẻ: “Đan lát không khó nhưng không phải ai cũng làm được. Tôi đã từng bị những sợi dây đan cứa rỉ máu tay không biết bao nhiêu lần mới có thể đan thành thạo được như hôm nay”. Để hoàn thành một chiếc giỏ ni-lông, người thợ phải thực hiện qua các công đoạn như: xếp dây, định hình đáy giỏ, đan vòng, bẻ miệng giỏ và làm quai. Thời gian hoàn chỉnh một chiếc giỏ tùy vào kích thước lớn, nhỏ và kiểu dáng, một người thợ lành nghề đan được khoảng 10 - 20 sản phẩm trong một ngày. Có nhiều cách đan, nhưng chị Hiền chọn đan theo kiểu hai lớp; mỗi dây đan là một màu sắc khác nhau, khi đan, người thợ phải biết kết hợp các dây màu hợp lý để đúng với họa tiết đã xác định ban đầu.

Một số mẫu sản phẩm giỏ ni-lông được chị Nguyễn Thị Dịu Hiền (xã Cư Êbuôr, TP. Buôn Ma Thuột) đan theo đơn đặt hàng.
Một số mẫu sản phẩm giỏ ni-lông được chị Nguyễn Thị Dịu Hiền (xã Cư Êbuôr, TP. Buôn Ma Thuột) đan theo đơn đặt hàng.
 

“Để sống với nghề đan giỏ ni-lông, người thợ cần phải có đức tính cần cù, cẩn thận, tuyệt đối không được nôn nóng, có như vậy mới tạo ra được các sản phẩm như ý. Đan lát cũng là một cách để rèn luyện tính cách con người”.


 

Chị Nguyễn Thị Dịu Hiền

 

Giỏ ni-lông có tuổi thọ từ 2 - 4 năm, với ưu điểm bền chắc, dẻo dai, chịu được nắng mưa, rất tiện lợi để đựng hàng hóa các loại. Cứ khoảng 7 - 10 ngày, chị Hiền chở sản phẩm đi bỏ mối ở một số chợ và các vựa trái cây một lần; mỗi tháng chị xuất khoảng 600 sản phẩm với giá bán từ 15.000 - 300.000 đồng/cái.

Ngoài sản phẩm với kiểu dáng truyền thống, chị Hiền luôn chủ động tìm tòi, học hỏi các mẫu đan mới. Thời gian gần đây, cũng từ nguyên liệu là sợi dây nhựa tổng hợp, bằng cách phối màu và thay đổi mẫu mã, chị Hiền đã “biến” những chiếc giỏ nhựa đơn điệu thành những chiếc túi xách thời trang đựng ví tiền, điện thoại, mỹ phẩm… đáp ứng thị hiếu của giới trẻ.

Dù chỉ “lấy công làm lãi”, nhưng nhờ kiên trì, tỉ mẫn và tâm huyết với nghề đan giỏ ni-lông, chị Hiền có lượng khách hàng ngày càng tăng, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Bên cạnh đó, chị Hiền luôn tạo điều kiện giúp chị em trong thôn kiếm thêm thu nhập trong những lúc nông nhàn và tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng.

Thùy Linh

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.