Multimedia Đọc Báo in

Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột: Đẩy mạnh kết nối, quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột

09:37, 04/12/2019

Kết nối, quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột là một trong những hoạt động được Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột quan tâm thực hiện và đạt những kết quả đáng ghi nhận.

 Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Hiệp hội) hiện có 181 hội viên đến từ các vùng trọng điểm sản xuất cà phê trên cả nước, tăng 102 hội viên so với thời điểm thành lập (năm 2010). Hiệp hội đã đẩy mạnh liên kết, phát triển tổ chức, từng bước quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột trong nước và quốc tế.

Cụ thể, Hiệp hội đã cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột cho 12 đơn vị với 8.979 nông hộ tham gia sản xuất trên tổng diện tích 13.954 ha, tổng sản lượng hằng năm 44.605 tấn. Trong đó có 9 đơn vị được tái cấp quyền trong thời hạn 5 năm và 3 đơn vị cấp mới thời hạn 3 năm. Hằng năm, Ban kiểm tra Hiệp hội phối hợp với đơn vị kiểm định chất lượng thành lập đoàn kiểm tra nội bộ tại các đơn vị này với các nội dung đánh giá thực tế tại vườn cây, sổ ghi chép của nông hộ, quy trình sản xuất, hệ thống truy nguyên nguồn gốc…

Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk tham gia giới thiệu sản phẩm cà phê Việt Nam  tại Hội nghị triển lãm Cà phê đặc sản Quốc tế tại Nhật Bản năm 2019.
Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk tham gia giới thiệu sản phẩm cà phê Việt Nam tại Hội nghị triển lãm Cà phê đặc sản Quốc tế tại Nhật Bản năm 2019.

Để khai thác và nâng cao giá trị hạt cà phê nhân mang Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột, 25 hội viên đã thành lập Chi hội rang xay vào tháng 9-2015, đến năm 2019 phát triển lên 35 hội viên. Qua đó, hình thành mối liên kết vùng nguyên liệu cà phê mang Chỉ dẫn địa lý với các nhà rang xay trong nước để đưa thương hiệu đến tận tay người tiêu dùng cuối cùng trong chuỗi ngành hàng. Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội, có khoảng 150 tấn cà phê rang xay mang thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột đã được thương mại trong nước từ năm 2016 - 2018 với giá trị tăng thêm từ 3-5%.

Trước nhu cầu của thị trường toàn cầu và sự thay đổi trong tập quán sản xuất, chất lượng cà phê vùng Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột ngày càng được nâng cao qua từng niên vụ. Cụ thể, qua khảo sát, đánh giá chất lượng 122 mẫu cà phê Robusta tại các nông hộ trong hai niên vụ 2016-2017, 2017-2018 để thử nếm cho thấy có 15 mẫu cà phê có chất lượng đạt 80 điểm theo tiêu chuẩn cà phê đặc sản thế giới. Đầu năm 2019, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Hiệp hội đã tổ chức thành công Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam. Từ cuộc thi, giữa các thành viên và chuyên gia thử nếm, chuyên gia thị trường từng bước có sự đồng thuận, kết nối thông qua các buổi workshop về thị trường, kinh nghiệm thử nếm, chia sẻ phương pháp chế biến…

Mới đây, vào tháng 9-2019, gần 70 đại biểu là đại diện của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến ngành cà phê trên cả nước đã hội tụ về tại Đắk Lắk tham gia Đại hội thành lập Chi hội cà phê đặc sản. Đây là tổ chức đầu tiên về cà phê đặc sản tại Việt Nam, đại diện cho tiếng nói và lợi ích của các thành viên, góp phần tạo ra thị trường cà phê đặc sản Việt Nam minh bạch, công bằng hơn cho các bên tham gia. Điều đặc biệt là chi hội có sự kết nối, tương tác giữa nhiều tác nhân trong ngành từ nông dân đến người kinh doanh, chuyên gia thị trường, chuyên gia thử nếm trong nước và quốc tế đã từng bước định hình con đường phát triển cho ngành hàng trong tương lai.

Cán bộ Hiệp hội kiểm tra thực tế tại vườn cây của đơn vị được cấp quyền chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột.
Cán bộ Hiệp hội kiểm tra thực tế tại vườn cây của đơn vị được cấp quyền chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột.

Song hành với việc phát triển tổ chức, công tác quảng bá, giới thiệu, kết nối thị trường cũng được Hiệp hội triển khai rộng rãi thông qua các buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cà phê đặc sản… Các hội viên đã tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế như Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và Tuần lễ văn hóa cà phê Việt năm 2016, Ngày cà phê Việt Nam, Triển lãm các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của ASEAN tại Thái Lan năm 2016, Hội chợ CAEXPO 2016 tại Trung Quốc…

Về bảo hộ quốc tế, Hiệp hội đã đứng đơn đăng ký bảo hộ Cà phê Buôn Ma Thuột tại 17 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đến nay đã có 12 quốc gia đồng ý bảo hộ thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột. Cụ thể là bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể tại Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Bỉ, Luxembourg, Hà Lan, Trung Quốc, Singapore; hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Canada; chỉ dẫn địa lý tại Thái Lan; tên gọi xuất xứ ở Nga. Hiện tại, Cà phê Buôn Ma Thuột đang được Cục Sở hữu trí tuệ đưa vào danh mục xin bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản theo chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2019 do Hiệp hội tổ chức có 25 mẫu cà phê đến từ các vùng sản xuất cà phê trọng điểm trên cả nước đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản, trong đó có 13 lô cà phê Robusta đặc sản của 7 đơn vị thuộc vùng Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột...

 

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.