Multimedia Đọc Báo in

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ea H'leo: Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

09:14, 10/12/2019

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Ea H’leo đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Hội LHPN huyện Ea H’leo hiện có 16.763 hội viên. Trong thời gian qua, Hội LHPN huyện đã hỗ trợ 71 chị khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với tổng số vốn 1,524 tỷ đồng. Trong đó, vận động hội viên đóng góp để trao vốn hỗ trợ trị giá 80 triệu đồng cho 26 chị để khởi sự kinh doanh; 45 chị được Hội LHPN các xã, thị trấn đứng ra tín chấp với các ngân hàng thương mại vay vốn đầu tư buôn bán nhỏ và vừa. Ngoài ra, các cấp hội và nữ công các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong toàn huyện còn duy trì 520 tổ tiết kiệm, thành lập mới 5 tổ tiết kiệm với tổng số tiền huy động hơn 3,4 tỷ đồng giúp hơn 820 chị vay vốn…

Chị Nông Thị Huệ theo dõi sự phát triển của đàn gà.
Chị Nông Thị Huệ theo dõi sự phát triển của đàn gà.
 

"Thời gian tới, Hội LHPN huyện Ea H’leo sẽ chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm tại một số địa phương có mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, từ đó giúp hội viên mở rộng tầm nhìn, nâng cao tư duy kinh tế".

 

 
Chị Mai Thị Mỵ", Chủ tịch Hội LHPN huyện Ea H’leo

Nhờ sự hỗ trợ nói trên, nhiều hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện đã khởi nghiệp, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Điển hình như gia đình chị Nông Thị Huệ (ở thôn 6A, xã Ea Wy) có khoảng 2 ha trồng cà phê, tiêu và xen canh bơ song hiệu quả kinh tế thấp, thu nhập chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Nhận thấy nhiều hộ dân trong xã nuôi giống gà Tày được nhiều khách hàng ưa chuộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, chị Huệ quyết tâm khởi nghiệp bằng mô hình chăn nuôi giống gà đặc sản này.

Năm 2018, được Hội Phụ nữ hỗ trợ 7 triệu đồng vốn khởi nghiệp, chị Huệ mạnh dạn mua 30 con gà Tày giống về nuôi, đầu tư xây dựng hệ thống trại chăn nuôi gà thả vườn khép kín. Nhờ chịu khó học hỏi áp dụng kỹ thuật chăn nuôi gà, đến nay chị đã phát triển đàn gà lên 60 con gà trưởng thành và khoảng 200 gà con; khi gà đạt trọng lượng khoảng 1,5 kg/con là xuất chuồng…

Chị Huệ phấn khởi: “Chỉ hơn một năm tôi đã xuất chuồng được 2 lứa gà, mỗi lứa khoảng 2 tạ thịt, với giá bán 100.000 đồng/kg, bước đầu cũng đã có lãi. Điều yên tâm là không cần lo đầu ra vì giống gà này được mọi người ưa chuộng. Hiện tôi đang tính mở rộng quy mô trang trại của gia đình để đáp ứng nhu cầu của thị trường”.

Chị Đặng Thị Mai kiểm tra sản phẩm trước khi phân phối.
Chị Đặng Thị Mai kiểm tra sản phẩm trước khi phân phối.

Gia đình chị Đặng Thị Mai (thị trấn Ea Drăng) có 3 ha cây ăn quả. Chị Mai thường mày mò chế biến trái cây trong vườn thành các sản phẩm như: trái cây sấy, trà thảo dược… dùng trong gia đình hoặc tặng bạn bè, người thân. Năm 2017, chị quyết định đầu tư vào sản xuất chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp.

Thời gian đầu, chị gặp nhiều thất bại; sau mỗi lần không thành công chị đều ghi chép cẩn thận để rút kinh nghiệm. Đến năm 2018, nhờ Hội LHPN huyện Ea H’leo hỗ trợ, chị Mai được vay vốn 100 triệu đồng để đầu tư trang bị máy sấy. Không chỉ sản xuất trái cây sấy mà hiện nay chị Mai đã sản xuất thành công các sản phẩm có độ điều chế khó hơn như: tinh dầu bơ, trà mãng cầu, trà đậu đen gạo lứt…

Hiện các sản phẩm của cơ sở sản xuất Mai Đặng do chị Mai làm chủ đã được nhiều khách hàng biết tiếng đặt mua sản phẩm với số lượng lớn và mở rộng phân phối ra thị trường cả nước. Cơ sở của chị đang tạo việc làm thường xuyên cho 3 - 5 phụ nữ với thu nhập 10 triệu đồng/tháng; còn gia đình chị mỗi tháng sau khi trừ hết chi phí có lãi từ 25 - 30 triệu đồng. Chị Mai chia sẻ: “Sắp tới tôi đang có dự định chuyển sang dùng các máy sấy bằng năng lượng mặt trời, vừa tiết kiệm chi phí lại thân thiện với môi trường”.

Ngọc Châu

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.