Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Người nuôi heo dè dặt tái đàn

08:22, 26/12/2019

Hiện giá heo hơi đang ở mức cao, chăn nuôi có lãi nhưng người nuôi heo ở huyện Cư M’gar vẫn dè dặt trong việc tập trung phục hồi chăn nuôi, tái đàn...

Thông thường, đầu tháng 10 hằng năm là thời điểm người chăn nuôi tập trung gây đàn heo để kịp cung ứng ra thị trường dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, hiện tại, dù thời điểm bắt đầu vụ heo mới đã qua hơn 1 tháng nhưng người dân vẫn chưa dám mạnh dạn tái đàn.

Dịch tả heo châu Phi làm nhiều hộ chăn nuôi ở Cư M’gar điêu đứng. Hiện nhiều gia đình chưa dám khôi phục lại sản xuất để kịp xuất bán lứa heo dịp cuối năm. Hộ chị Huỳnh Thị Dung (tổ dân phố 3, thị trấn Quảng Phú) vẫn bỏ trống chuồng mặc giá heo đang tăng kỷ lục. 2 tháng trước, ổ dịch tả heo châu Phi làm 20 heo thịt đến kỳ xuất chuồng của gia đình chị phải tiêu hủy, gây thiệt hại hàng chục triệu đồng. Với giá heo như hiện nay, biết là người nuôi có lãi lớn nhưng chị vẫn chưa quyết định đầu tư lứa mới vì lo dịch tả heo châu Phi bùng phát trở lại.

 Chị Lê Thị Tuyết  (tổ dân phố Toàn Thắng, thị trấn  Ea Pốk)  chỉ dám nuôi vài  con heo  cầm chừng chứ chưa dám  tăng đàn.
Chị Lê Thị Tuyết (tổ dân phố Toàn Thắng, thị trấn Ea Pốk) chỉ dám nuôi vài con heo cầm chừng chứ chưa dám tăng đàn.

Chị Lê Thị Tuyết (tổ dân phố Toàn Thắng, thị trấn Ea Pốk) cũng chỉ nuôi cầm chừng vài ba con heo thịt trong chuồng. Chị bộc bạch, nuôi heo thời điểm này sợ nhất là dịch bệnh, mà bỏ trống chuồng thì lại không có nguồn thu. Hiện giờ, chị chỉ dám nuôi vài con kiếm ít tiền trang trải, chứ không hề có ý định phát triển đàn thêm, chỉ mong mọi việc suôn sẻ để phần nào gỡ gạc cho người nuôi heo bớt khổ.

Trên thực tế, gần đây, việc nuôi heo đang có lãi đáng kể khi bán heo hơi có giá gần 70.000 đồng/kg; việc xuất chuồng cũng dễ dàng hơn khi thương lái đến tận nhà thu mua, có loại nào mua loại đó, “thuận mua vừa bán” chứ không kén chọn heo to, nhỏ như mọi lần. Điều này khiến nhiều người chăn nuôi thấy phấn khởi, nhưng vẫn rất cân nhắc, thận trọng trong việc tăng đàn, thậm chí, không dám đầu tư tái đàn để ổn định sản xuất, cung cấp nguồn thịt phục vụ Tết.

Chị Tuyết cho hay, nhu cầu nguồn cung thị trường Tết là cơ hội làm ăn lớn nhất trong năm của người chăn nuôi, mọi năm vào dịp này, trong chuồng của chị nuôi đến hơn 80 con heo thịt, nhưng hiện giờ, chị chấp nhận bỏ trống chuồng chứ gây đàn nếu lỡ dịch bệnh trở lại thì thiệt hại rất lớn.

Dịch tả heo châu Phi xảy ra, nhiều hộ chăn nuôi heo ở Cư M'gar chưa dám mạnh dàn tăng đàn
Dịch tả heo châu Phi xảy ra, nhiều hộ chăn nuôi heo ở Cư M'gar chưa dám mạnh dàn tăng đàn.

Theo Phòng NN - PTNT huyện Cư M'gar, đến thời điểm hiện tại, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện ở 45 thôn, buôn của huyện với 133 hộ chăn nuôi bị thiệt hại. Ngoài việc tiếp tục chủ động khống chế không để dịch tả heo châu Phi lây lan thì Phòng cũng khuyến cáo người dân cẩn thận trong việc tái đàn, đặc biệt, chú trọng tuyên truyền sâu rộng đến bà con tăng cường công tác tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại. Việc tái đàn hiện nay cần hết sức thận trọng, làm sao để bảo đảm nguồn vốn bỏ ra, lựa chọn con giống chất lượng và có phương pháp tái đàn chắc chắn để tránh gây thiệt hại về kinh tế.

Ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho hay, hiện tại, nhiều hộ chăn nuôi heo trên địa bàn chưa dám tái đàn hoặc tăng đàn. Số lượng đàn heo đang có xu hướng giảm khoảng 5.000 con so với trước. Để tránh những rủi ro về dịch bệnh, người chăn nuôi cần tăng cường công tác kiểm tra chuồng trại thường xuyên, triển khai tiêu độc khử trùng…

Tổng đàn heo trên địa bàn huyện Cư M’gar có 40.000 con, chăn nuôi chủ yếu theo hộ gia đình, tập trung nhiều nhất ở thị trấn Quảng Phú, Ea Pốk, xã Ea K’pam, Quảng Hiệp… Dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn đã làm số lượng heo sụt giảm khoảng 5.000 con.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.