Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Đrắk: Nông dân tập trung chuẩn bị hàng nông sản phục vụ Tết

08:53, 31/12/2020

Nông dân huyện M’Đrắk đang tập trung đẩy mạnh sản xuất cung cấp nông sản phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang đến gần.

Mùa Tết năm nay, nhiều gia đình có xu hướng đặt mua heo rừng lai ăn Tết. Là đầu mối chuyên nuôi heo rừng lai ở thôn Ea Tê (xã Krông Jing), để chuẩn bị sản phẩm cho thị trường Tết, ngay từ giữa năm, gia đình anh Nguyễn Đình Giao đã nuôi hơn 100 con heo, đến nay số heo này đã được khách sỉ và lẻ đặt mua hết với giá 130.000 đồng/kg. Với nguồn sản phẩm hơn 2 tấn heo rừng lai cung cấp cho dịp Tết này, gia đình anh Giao dự kiến có thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

Chị Hoàng Thị Thoi chăm sóc vườn rau chuẩn bị cho thị trường Tết.
Chị Hoàng Thị Thoi chăm sóc vườn rau chuẩn bị cho thị trường Tết.

Toàn huyện hiện có 479 ha rau xanh với năng suất bình quân trên 10 tấn/ha, sản lượng 4.809 tấn. Riêng vụ Tết, nông dân xuống giống khoảng 110 ha rau. Dù vẫn trồng và chăm bón quanh năm, vụ nọ nối vụ kia song vụ rau Tết vẫn được bà con nông dân chú trọng nhất bởi đây là thời điểm nhu cầu tăng cao.

Là một trong những hộ có thâm niên trong nghề trồng rau, bắt đầu từ đầu tháng 11 âm lịch, gia đình chị Hoàng Thị Thoi (ở thôn Tân Lập, xã Cư M’ta) đã tập trung làm đất, lên luống, chuẩn bị giống, phân bón để xuống giống vụ Tết. Chị Thoi cho biết, gia đình có 1,6 sào đất trồng rau quanh năm, tùy theo thời gian sinh trưởng, phát triển từng loại rau mà thời điểm xuống giống cũng phải được điều chỉnh phù hợp, như: súp lơ gieo trồng trước 70 ngày, xà lách 40 - 50 ngày, rau cải các loại 30 ngày, hành ngò khoảng 40 ngày...

Để các loại rau phát triển tốt, bảo đảm đạt năng suất cao và an toàn thực phẩm, gia đình chị thường xuyên kiểm tra tình hình sâu bệnh, chú trọng khâu tưới nước, làm đất, ủ phân từ các loại vỏ trấu, tro bếp, phun thuốc an toàn sinh học... Đến thời điểm này, vườn rau của gia đình chị đã phát triển khá tốt, cùng với thời tiết thuận lợi nên chắc chắn sẽ mang lại vụ rau thắng lợi.

Các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn huyện M’Đrắk cũng đã chủ động dự trữ hàng nông sản thiết yếu để tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá; ngành chức năng tăng cường công tác quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, hướng dẫn người dân tái đàn, xuống giống theo nhu cầu của thị trường, thường xuyên rà soát, thống kê số liệu các mặt hàng nông sản, định hướng sản xuất sát với nhu cầu thực tế.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.