Multimedia Đọc Báo in

Làng miến Chi Lăng tất bật vào vụ Tết

08:28, 23/12/2019

Gần Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, làng nghề sản xuất bún, miến, phở khô truyền thống Chi Lăng (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) lại nhộn nhịp hẳn lên. Hầu hết các gia đình đều phải tăng cường nhân lực chạy đua với thời gian để kịp các đơn hàng, phục vụ nhu cầu thị trường.

Nghề sản xuất miến truyền thống Chi Lăng hình thành từ khoảng năm 1980, do những người dân ở một số tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình… vào lập nghiệp mang theo. Từ năm 2006 trở lại đây, làng nghề này phát triển mạnh, nhiều hộ gia đình đầu tư mua sắm máy móc chuyên dụng, mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm miến gạo, bún sợi, phở khô... Hiện toàn phường đã có trên 50 hộ dân làm nghề, tập trung nhiều nhất tại các tổ dân phố 1, 3, 5, 6 và 7 và đều mang thương hiệu sản phẩm hàng hóa Chi Lăng. 

Anh Hà Văn Tuyến, tổ dân phố 6  (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) đang phơi miến trong nhà có mái che nilon.
Anh Hà Văn Tuyến, tổ dân phố 6 (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) đang phơi miến trong nhà có mái che nilon.

Chị Nguyễn Thị Tâm ở tổ dân phố 1 cho biết, nghề làm miến, bún, phở khô ngày nay không còn nặng nhọc, vất vả nữa. Quá trình sản xuất trải qua 4 công đoạn: chọn gạo, ngâm, sau đó vớt ra đưa vào máy cán sợi (tùy theo kích cỡ của sản phẩm), đem phơi nắng chừng nửa ngày là thành phẩm. Ngày nay, sản phẩm miến, bún, phở khô Chi Lăng đã có được thương hiệu khá nổi trên thị trường, đầu ra thuận lợi. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm sạch, an toàn, các hộ làm miến, bún, phở khô Chi Lăng đều có cam kết với chính quyền địa phương là không sử dụng hàn the, thuốc tẩy hay các chất phụ gia độc hại, luôn bảo đảm các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm…

 

“Miến, bún, phở khô Chi Lăng có được thương hiệu trên thị trường một phần do bí quyết trong cách làm, phần khác có lẽ do được thiên nhiên ưu đãi về nguồn nước, tạo nên độ trắng trong, dai và hương vị đặc trưng của sản phẩm làng nghề Chi Lăng”.

 

 
Chị Nguyễn Thị Tâm,  tổ dân phố 1, phường Khánh Xuân

Nghề làm miến, bún, phở khô Chi Lăng sản xuất quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là vào khoảng thời gian 2 tháng trước Tết Nguyên đán. Các hộ sản xuất ở đây đều phải làm cật lực mới kịp giao hàng, không khí bận rộn, khẩn trương. Anh Vũ Quốc Phong ở tổ dân phố 1 cho hay, gia đình anh có thâm niên trong nghề này hơn 15 năm nay.

Những tháng trước, hai vợ chồng anh làm mỗi ngày chỉ được khoảng 2 tạ gạo, cho ra sản phẩm khoảng 1,8 tạ, nhưng những tháng cuối năm anh làm tăng lên 4 tạ gạo/ngày và phải thuê thêm 2 nhân công nữa, vừa phơi vừa đóng gói sản phẩm mới kịp. Mặc dù làm ngày, làm đêm nhưng ra đến đâu là hết đến đó. Thời điểm hiện tại có nhiều đơn hàng, nhưng sợ không làm kịp nên gia đình chưa dám nhận thêm.

Gia đình anh Hà Văn Tuyến ở tổ dân phố 6 là một trong những hộ điển hình vươn lên làm giàu nhờ nghề làm miến, bún, phở khô truyền thống. Hiện nay, bình quân mỗi tháng, trừ chi phí, vợ chồng anh thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Theo anh Tuyến, mặc dù việc sản xuất miến, bún, phở khô trong những năm qua luôn có đầu ra ổn định, song giá cả còn bấp bênh, sản phẩm chủ yếu chỉ bán ở các chợ, cửa hàng nhỏ lẻ. Để khẳng định được thương hiệu và chất lượng cao cho sản phẩm làng nghề truyền thống, anh Tuyến đã đứng ra đề xuất với UBND phường Khánh Xuân thành lập Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất bún, miến, phở khô Chi Lăng (gọi tắt là HTX). Từ tháng 10-2019, HTX đã chính thức đi vào hoạt động và hiện nay đã có 9 hộ đăng ký tham gia.

Nghề làm miến, bún, phở khô của gia đình anh Vũ Quốc Phong (tổ dân phố 1) đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Nghề làm miến, bún, phở khô của gia đình anh Vũ Quốc Phong (tổ dân phố 1) đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Theo ông Nguyễn Xuân Thăng, Phó Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân, nghề làm bún, miến, phở khô Chi Lăng không những góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn giúp nhiều hộ khá giả. Cùng với làm nghề, nhiều gia đình còn kết hợp chăn nuôi heo, gà để tận dụng nguồn thức ăn từ phụ phẩm dư thừa như nước vo gạo, miến gãy nát… vừa tăng thêm thu nhập, lại bảo đảm khâu vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, làng nghề Chi Lăng còn giải quyết công ăn việc làm cho gần 200 lao động nhàn rỗi ở địa phương với mức thu nhập bình quân mỗi tháng từ 4 - 4,5 triệu đồng/người.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.