Multimedia Đọc Báo in

Nông dân phường Tân Lợi chuẩn bị vụ hoa Tết

09:01, 05/12/2019

Từ nhiều năm nay, người dân phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) đã nhạy bén khai thác thế mạnh đất canh tác nông nghiệp để luân canh gối vụ. Nhiều hộ đã cải tạo vườn tạp chuyển đổi sang trồng hoa hồng, hoa cúc trong chậu phục vụ nhu cầu thị trường hoa Tết, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những năm gần đây, nhiều gia đình trên địa bàn phường Tân Lợi chuyển từ canh tác rau màu sang trồng hoa cúc, bởi chăm sóc hoa dễ, lại chủ động được tưới tiêu, đạt giá trị kinh tế thời vụ cao. Để phục vụ cho thị trường hoa dịp Tết Nguyên đán, từ trung tuần tháng 7 âm lịch, các hộ trồng hoa nhập cây giống từ Đà Lạt về cấy vào trong chậu. Đến khoảng cuối tháng 9, sau khi đã thu hoạch được nhiều lứa rau ngắn ngày, các hộ dân bắt đầu dọn vườn và tận dụng khoảng sân trống để trồng. Sau 4 - 5 tháng, các chậu cúc bắt đầu ra bông. Ngoài cúc, nhiều loại hoa hồng có giá trị cũng được các hộ trồng khảo nghiệm và nhân rộng trên diện tích đất vườn.

Chị Trần Thị Trà chăm sóc vườn cúc.
Chị Trần Thị Trà chăm sóc vườn cúc.

Gia đình chị Trần Thị Trà (ở hẻm 227 Hà Huy Tập, thuộc tổ dân phố 7A) là hộ chuyên trồng cúc đại đóa, cúc kim cương. Với diện tích trên 3 sào, vườn hoa của gia đình chị hiện nay có khoảng 1.000 chậu hoa cúc, 300 chậu hoa hồng (hồng nhung, hồng phấn, hồng tỉ muội…).

Hằng năm, thu nhập từ nghề trồng hoa mang lại cho gia đình chị nguồn thu từ 50 - 60 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng các loại cây nông nghiệp khác. Chị Trà chia sẻ, so với các loại hoa khác, trồng hoa cúc tuy vất vả, tỉ mẩn chăm bón nhưng rủi ro không nhiều, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Nhờ có kinh nghiệm nhiều năm chăm sóc, đảm bảo tốt các quy trình từ khâu làm đất, cấy cây giống nên vườn hoa cúc của gia đình chị Trà luôn trổ búp đều, hoa đẹp. Với điều kiện thời tiết thuận lợi, gia đình chị đang kỳ vọng vào vụ hoa Tết năm nay cho thu nhập cao hơn năm ngoái.

Với gần 2 sào đất, trước đây gia đình chị Trần Thị Phấn (ở hẻm 127 đường Nguyễn Hữu Thấu, thuộc tổ dân phố 7A) chủ yếu trồng các loại rau ngắn ngày song hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2015, gia đình chị quyết định chuyển sang trồng hoa cúc trong chậu. Từ chỗ chỉ từ vài chục chậu cúc đại đóa, đến nay vườn hoa của gia đình chị đã nhân rộng lên đến 600 chậu cúc mỗi năm. Ngoài cúc kim cương, cúc đại đóa, cúc họa mi…, gia đình chị Phấn còn trồng thêm 200 chậu hoa hồng các loại: vân khôi, ngọc lộ, hồng nhung, hồng leo. Chị Phấn chia sẻ: “Trồng hoa hồng, hoa cúc nếu “trúng vụ, được giá” thì giá còn cao gấp 3 lần so với trồng rau sạch. Mỗi vụ, sau khi trừ chi phí giống, phân bón, gia đình tôi thu về 30 - 35 triệu đồng”.

Theo các hộ dân, trồng hoa hồng, hoa cúc trong chậu không đòi hỏi quá cao về yêu cầu kỹ thuật, điều quan trọng nhất là người trồng phải nắm bắt được diễn biến của thời tiết để có kế hoạch chăm sóc phù hợp, đồng thời thường xuyên tỉa cành, bón phân và phòng trừ sâu bệnh cho hoa. Đặc biệt, cần chú trọng đến từng giai đoạn phát triển và sinh trưởng của cây để canh hoa nở đúng dịp. Ngoài ra, cần chú ý đến việc giữ ẩm trong chậu để đất luôn tơi xốp, có như vậy hoa mới phát triển tốt, màu sắc vàng tươi. Ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Lợi nhận xét: “Những năm qua, mô hình trồng hoa cúc trong chậu mang lại hiệu quả kinh tế khả quan, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân trên địa bàn”.

Đoàn Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.