Multimedia Đọc Báo in

Quản lý chặt chăn nuôi quy mô nông hộ trong tái đàn heo

08:36, 24/12/2019

Giải pháp duy nhất bảo vệ đàn heo khỏi bệnh dịch tả heo châu Phi là chăn nuôi an toàn sinh học. Theo đó, chăn nuôi quy mô nông hộ bị siết chặt trong việc tái đàn bởi điều kiện chăn nuôi không bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Nông hộ khó tái đàn

Trên địa bàn Đắk Lắk, bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra từ cuối tháng 5-2019 đến nay vẫn  chưa lắng xuống. Hiện dịch bệnh đã xảy ra tại 4.398 hộ ở 141 xã/phường (thuộc 15/15 huyện, thị xã, thành phố) làm cho 44.256 con heo mắc bệnh buộc phải tiêu hủy; tổng trọng lượng tiêu hủy là 2.496.202 kg.

Dịch bệnh xảy ra trên đàn heo, chủ yếu ở quy mô nông hộ đã gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển sản xuất chăn nuôi của tỉnh. Đặc biệt, sau dịch, người chăn nuôi ở không ít địa phương rơi vào tình trạng “trắng chuồng”.

Tuy nhiên, việc tái đàn ở các hộ chăn nuôi không hề dễ dàng do nguồn vốn đầu tư gần như mất trắng theo đàn heo bị dịch, trong khi giá con giống hiện ở mức cao (nằm ở mức 2 triệu đồng/con). Mặt khác, không phải hộ nào muốn tái đàn cũng được mà chuồng trại phải đủ điều kiện an toàn dịch bệnh và phải được sự cho phép của cơ quan chuyên môn thì mới được tái đàn.

Trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Krông Pắc.
Trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Krông Pắc.

Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột, tổng đàn heo của thành phố hiện trên 125.000 con, tương đương với số lượng heo cùng kỳ năm ngoái. Công tác tái đàn hiện nay chủ yếu diễn ra ở các trang trại của các công ty lớn. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm mạnh do không tái đàn được vì giá con giống cao, tâm lý e ngại dịch bệnh hoặc chuồng trại không đáp ứng được yêu cầu theo quy định. Tại xã Hòa Phú, nơi phát dịch đầu tiên của tỉnh hiện đã có 20 hộ bị dịch tả heo châu Phi, với 385 con bị tiêu hủy. Sau đợt dịch, hầu hết các hộ đều chưa tái đàn lại vì không có vốn và e ngại dịch bệnh bùng phát.

Còn ở huyện Cư Kuin, công tác tái đàn cũng chỉ được thực hiện chủ yếu ở các trang trại gia công. Ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y cho biết, tình hình chăn nuôi trên địa bàn huyện cơ bản vẫn phát triển ổn định do phần lớn là chăn nuôi quy mô trang trại nên công tác chống dịch được triển khai rất tốt.

Hiện các trang trại gia công được phép tái đàn từ 40-45% tổng đàn dưới sự giám sát chặt chẽ của cán bộ thú y. Riêng các trang trại của hộ gia đình thì chỉ tái đàn khoảng 10% nhưng cũng chỉ có một trang trại đủ điều kiện được phép tái đàn. Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, Trạm luôn khuyến cáo người dân hạn chế tối đa việc tái đàn để bảo đảm cho công tác phòng chống dịch. Hộ dân nào muốn tái đàn thì phải đăng ký với Trạm và có sự kiểm tra, giám sát của cán bộ thú y. Tuy nhiên, hầu hết nông hộ đã bỏ trống chuồng và chuyển sang chăn nuôi gia cầm hoặc các con khác…

Hướng đến chăn nuôi bền vững

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc tái đàn heo là cần thiết nhưng cần được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, tránh tâm lý nóng vội, tự ý tái đàn tràn lan, nhất là trong đợt giá heo tăng đột biến như thời gian hiện nay.

Hiện Sở đã chỉ đạo các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, hướng dẫn, giám sát chặt chẽ việc tái đàn tại các cơ sở chăn nuôi heo phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Đối với các cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện thì cho tái đàn, nhưng phải chú ý chất lượng và nguồn gốc con giống rõ ràng, sạch bệnh. Đối với các hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ, chuồng trại không bảo đảm, tạm bợ thì không nên tái đàn, mà cần phải chờ cho đến khi bệnh dịch tả heo châu Phi đã được khống chế; đồng thời tiến hành sát trùng tiêu độc chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi…

Một trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột vệ sinh chuồng trại để bảo đảm chăn nuôi an toàn .
Một trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột vệ sinh chuồng trại để bảo đảm chăn nuôi an toàn.

Theo đó, Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột đã tổ chức 8 lớp tập huấn về công tác chống dịch trên đàn heo và công tác tái đàn cho các xã phường, trong đó chú trọng hướng dẫn các hộ thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học từ khâu con giống đến khâu tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, cũng như bảo đảm các điều kiện về vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng định kỳ. Ngoài ra, ở các địa phương khác như Cư Kuin, Buôn Đôn, Ea Kar… cũng đã triển khai kịp thời công tác tập huấn, tuyên truyền về phòng chống dịch và tái đàn nhằm ổn định và phát triển chăn nuôi trên địa bàn trong thời gian tới, đồng thời phấn đấu khắc phục những ảnh hưởng dịch bệnh xảy trên đàn heo đối với ngành chăn nuôi.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện giá thịt heo đang tăng rất cao khiến nhiều hộ chăn nuôi nôn nóng tái đàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi vẫn chưa được đẩy lùi, người chăn nuôi phải tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng để tránh dịch bùng phát mạnh và gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.