Ruồi lính đen - loài côn trùng hữu ích
Mô hình nuôi ruồi lính đen được các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nhân rộng trong vòng một năm qua, mang lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế và môi trường. Việc cung ứng các sản phẩm từ ruồi lính đen như: trứng ruồi, ấu trùng, nhộng… cũng đang phát triển mạnh, mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình.
Ruồi lính đen có tên khoa học là Hermetia Illucens, tên tiếng Anh là Black Sodier Fly, có sẵn trong môi trường tự nhiên Việt Nam và thường xuất hiện ở khu vực có vật chất hữu cơ đang phân hủy. Vòng đời của ruồi lính đen trải qua 4 giai đoạn: trứng, ấu trùng, nhộng và ruồi trưởng thành với thời gian sinh trưởng khoảng 45 ngày. Ruồi trưởng thành có màu đen, hình dạng giống loài ong với chiều dài từ 12-20 mm. Ở giai đoạn này, ruồi chỉ sống từ 3-5 ngày, không ăn và hoàn toàn không gây hại như nhiều loài côn trùng khác.
Mô hình nuôi ruồi lính đen tại thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc. |
Ấu trùng ruồi lính đen có khả năng tiêu hóa các thành phần hữu cơ trong rác thải sinh hoạt, phân gia súc, gia cầm, phế phẩm trong chế biến thủy sản và nông sản tạo ra chất mùn. Lượng rác thải hữu cơ mà ấu trùng tiêu thụ gấp 5 lần trọng lượng cơ thể, làm giảm đến 90% khối lượng rác thải hữu cơ mà không làm phát sinh nước thải hay mùi hôi, giảm thiểu sự lây lan của các loại mầm bệnh. Nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng ruồi lính đen để xử lý rác thải, tạo ra nguồn phân bón hữu cơ giúp cải tạo đất.
Ấu trùng ruồi lính đen chứa thành phần đạm, chất béo, canxi… cao, là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho nhiều loại gia súc, gia cầm, thủy sản, giúp vật nuôi lớn nhanh, mẫu mã đẹp, sức đề kháng tự nhiên cao. Vì vậy, mô hình nuôi ruồi lính đen ngày càng được các cơ sở chăn nuôi trong nước ứng dụng rộng rãi, giúp giảm chi phí thức ăn và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc