Multimedia Đọc Báo in

Tất bật "chạy nước rút" cho vụ hoa cúc Tết

08:40, 24/12/2019

Còn một tháng nữa đến Tết Canh Tý 2020, đây là thời điểm “nước rút” quyết định thành bại của một mùa trồng hoa Tết. Tại các nhà vườn trồng hoa cúc, ai cũng tất bật chăm chút cho từng chậu, luống hoa phục vụ Tết.

Những ngày này, nhiều nhà vườn trồng hoa ở thị xã Buôn Hồ bắt đầu bước vào đợt chăm bón cao điểm. Cũng như mọi năm, năm nay vợ chồng anh Nguyễn Văn Quý ở phường Bình Tân xuống giống 1 sào hoa cúc vạn thọ và trồng hơn 400 chậu cúc đại đóa.

Anh Quý cho biết, cúc đại đóa trồng trong chậu thường được xuống giống từ đầu tháng 8 âm lịch, trước cúc vạn thọ gần 1 tháng. Mỗi chậu cúc Tết trung bình có 40 cây giống, còn chậu cỡ lớn trồng tới 200 cây. Trên những chậu cúc, anh Quý chong đèn thâu đêm để điều tiết sự sinh trưởng giúp cây bung hoa đẹp, đúng vụ.

Anh Nguyễn Văn Quý (thị xã Buôn Hồ) đang chăm chút cho vườn hoa cúc .
Anh Nguyễn Văn Quý (thị xã Buôn Hồ) đang chăm chút cho vườn hoa cúc.

Từ trung tuần tháng 11 âm lịch, khi cúc đơm nụ, sẽ tiến hành cắm cọc tre giữ cây để chậu cúc đầy đặn; tưới nước, bón phân đầy đủ giúp cây nở hoa đúng Tết. Đến khoảng đầu tháng 12 âm lịch thì cắt điện, lúc này cúc sẽ “ngủ”, không phát triển cành, nhánh nữa mà bắt đầu gom búp.

 
“Vào vụ hoa Tết, người trồng hoa không lúc nào ngơi tay. Thời tiết thời điểm hiện tại đang rất thuận lợi với cây hoa cúc. Các nhà vườn trồng hoa cúc mong chờ một vụ hoa thắng lợi sau những ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
 
Anh Võ Văn Thắng, một chủ vườn trồng hoa cúc ở phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột)

Hiện tại anh Quý đang chăm tưới và tỉa nụ hoa. Một thân cúc sẽ cho ra khá nhiều nụ và phải ngắt bỏ, chỉ để lại một nụ trung tâm giúp hoa có nhiều dưỡng chất để nở to và rộ. “Nghề trồng hoa cúc tuy tốn nhiều công, phải theo dõi, chăm sóc cây hằng ngày nhưng nếu hoa phát triển tốt, bung nở kịp Tết sẽ cho thu nhập khá. Dịp Tết này, hơn nửa số chậu hoa cúc đại đóa của gia đình đã được một đơn vị đặt hàng từ đầu vụ với giá từ 200.000 - 500.000 đồng/chậu (tùy kích thước)” - anh Quý phấn khởi.

Gắn bó với nghề trồng hoa cúc Tết đã 8 năm nay, chị Mai Thị Truyền (tổ dân phố Thắng Lợi, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M'gar) chia sẻ: “Cứ vào giữa tháng 10 âm lịch, tôi bắt đầu làm đất, lên luống để canh tác 5 sào hoa cúc trứng, cúc đóa, cúc pha lê… phục vụ Tết. Bình thường tôi chỉ làm việc từ sáng đến chạng vạng tối, nhưng suốt 2 tuần nay, tôi cùng người nhà thường xuyên bám vườn đến nửa đêm để theo dõi từng nụ hoa nhằm có biện pháp xử lý hợp lý”.

Chị Mai Thị Truyền (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) đang tỉa bớt nụ cúc.
Chị Mai Thị Truyền (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) đang tỉa bớt nụ cúc.

Theo chị Truyền, công việc chăm hoa tưởng chừng đơn giản nhưng để hoa nở đẹp và đúng dịp Tết cần sự tỉ mỉ trong từng khâu chăm sóc, nhạy bén nắm bắt sự thay đổi của thời tiết để tiến hành bón thúc hay kìm hãm sự phát triển của cây. Với mỗi sào hoa cúc, gia đình chị Truyền lãi từ 15 - 20 triệu đồng, tùy theo giá cả thị trường tại thời điểm bán.

Cùng với nhiều loài hoa khoe sắc trong dịp Tết, hoa cúc mang sắc vàng tươi mới, tượng trưng cho sự trường thọ, phúc lộc dồi dào, với giá cả bình dân, được nhiều gia đình lựa chọn để chưng Tết. Vụ hoa phục vụ dịp Tết Nguyên đán là thời điểm người trồng hoa trông đợi nhất trong năm, tuy nhiên, nhiều nhà vườn vẫn không khỏi lo ngại trước diễn biến thất thường của thời tiết và biến động của thị trường.

Thùy Linh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.