Thêm cơ hội cho người nghèo đi xuất khẩu lao động
Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn, Đắk Lắk đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn cho những người trong độ tuổi lao động có nhu cầu tìm việc cũng như tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp có uy tín mở chi nhánh, đặt văn phòng đại diện để tư vấn, tuyển chọn XKLĐ...
Trở ngại trong xuất khẩu lao động
Nhằm khuyến khích phát triển thị trường XKLĐ, thời gian qua, Nhà nước đã có những chính sách cụ thể nhằm tạo thuận lợi cho công dân có đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ đầu tư mở rộng thị trường XKLĐ mới, có thu nhập cao, thị trường tiếp nhận nhiều lao động; hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý, dạy nghề, ngoại ngữ cho người lao động… Cùng với đó, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh cũng đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp trong việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, thực trạng XKLĐ tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều trở ngại, bất cập.
Lao động huyện Krông Ana tìm hiểu thông tin việc làm và xuất khẩu lao động tại một phiên giao dịch việc làm. |
Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là do công tác tuyên truyền còn mang tính hình thức; một số địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm vì sợ phải liên đới chịu trách nhiệm khi người lao động gặp rủi ro. Mặc khác, chính sách cho vay vốn đối với người đi XKLĐ vẫn còn hạn chế, một số đối tượng gặp khó khăn có nhu cầu vay nhưng không được vay. Ở một số nơi xuất hiện cá nhân tự xưng có mối quan hệ với người thân ở nước ngoài hoặc mạo danh là người của doanh nghiệp XKLĐ để tư vấn, tuyển lao động, lừa đảo thu tiền rồi hướng dẫn người lao động đi theo hình thức thị thực du lịch đến làm việc ở các nước mà Chính phủ Việt Nam chưa ký Hiệp định, thỏa thuận về hợp tác lao động… Một nguyên nhân khá phổ biến nữa là người lao động chưa chịu khó nắm bắt thông tin chính thống, mà nhầm lẫn nắm bắt thông tin qua đối tượng “cò” XKLĐ dẫn đến bị lừa hoặc bị nộp tiền chi phí rất cao so với quy định của Nhà nước.
Đơn cử như ở huyện Lắk, theo kế hoạch năm 2019, toàn huyện phấn đấu đưa khoảng 40 lao động đi làm việc tại nước ngoài nhưng đến nay chỉ mới được 7 người. Theo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện, thời gian qua, quá trình triển khai thực hiện chính sách này vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là do người lao động vẫn chưa nhận thức đầy đủ về hiệu quả của công tác XKLĐ và tâm lý sợ đi làm việc xa, bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán, nhất là các lao động dân tộc thiểu số…
Thêm nhiều cơ hội cho lao động nghèo
Mới đây, nhằm khuyến khích người dân 62 huyện nghèo tham gia XKLĐ để vươn lên thoát nghèo bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 27/2019/QĐ-TTg, ngày 9-9-2019 về tín dụng đối với người lao động tại huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2020. Theo đó, Đắk Lắk có hai huyện là M’Đrắk và Lắk, người đi XKLĐ ở hai địa phương này được hỗ trợ vay vốn, mức vay tối đa đến 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết; trong đó, người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được vay với lãi suất bằng 50% lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo; người lao động khác được vay bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định. Với chính sách hỗ trợ thiết thực này sẽ tạo thêm cơ hội, giải quyết bài toán chi phí đi xuất khẩu cho các lao động, nhất là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk tìm hiểu thông tin việc làm sau khi ra trường. |
Theo ông Lê Hạnh, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH), đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của XKLĐ cũng như chính sách ưu đãi của Trung ương, địa phương hỗ trợ người lao động khi tham gia đi XKLĐ đến từng thôn, buôn vừa là để thay đổi, nâng cao nhận thức, vừa tạo mọi điều kiện giúp họ chủ động, mạnh dạn đăng ký. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng để nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn về XKLĐ, góp phần tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng cho người lao động...
Một giải pháp để đẩy mạnh hoạt động XKLĐ cũng được Sở LĐ-TB&XH chú trọng là thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, định kỳ, các buổi tư vấn, tuyển dụng đi XKLĐ… giúp người lao động được gặp gỡ, giao lưu trực tiếp với đơn vị có chức năng đưa người đi XKLĐ; được giải đáp và tháo gỡ những băn khoăn, nghi ngại; đồng thời nắm rõ hơn về điều kiện, tiêu chuẩn, thời hạn hợp đồng, chi phí, quyền lợi. Đặc biệt, tại một số buổi làm việc, Trung tâm cũng đã đề nghị các bậc phụ huynh đi cùng con em mình đến tham gia sơ tuyển để hiểu rõ về các nghĩa vụ và quyền lợi khi tham gia XKLĐ.
Một doanh nghiệp tuyển dụng tư vấn thông tin việc làm cho người lao động. |
Có thể nói, việc đẩy mạnh hoạt động XKLĐ là một trong những giải pháp giải quyết việc làm có hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo. Do đó, thời gian tới Sở LĐ-TB&XH cùng các ngành chức năng sẽ đẩy mạnh việc đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động trong nước và nước ngoài; qua đó, giúp lao động qua đào tạo có đủ nhận thức, có tư cách, đạo đức và sức khỏe tốt, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, ngoại ngữ … đáp ứng cho XKLĐ. Hằng năm, chủ động bố trí thêm vốn vay từ nguồn ngân sách địa phương cùng với nguồn vốn của Trung ương để thực hiện việc hỗ trợ cho vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm cho người đi XKLĐ…
Thời gian tới Sở LĐ-TB&XH cùng các ngành chức năng sẽ đẩy mạnh việc đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động trong nước và nước ngoài; chủ động bố trí thêm vốn vay từ nguồn ngân sách địa phương cùng với nguồn vốn của Trung ương để thực hiện việc hỗ trợ cho vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm cho người đi XKLĐ… |
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc