Thu nhập ổn định nhờ nuôi nhím
10 năm kiên trì nuôi nhím, gia đình chị Hoàng Thị Như Hạ ở tổ dân phố 4 (phường Bình Tân, thị xã Buôn Hồ) có thu nhập ổn định, mỗi năm lãi trên 130 triệu đồng.
Trước đây, ngoài nương rẫy, nguồn thu của gia đình chị Hạ chủ yếu phụ thuộc vào chăn nuôi bò nhưng do giá cả bấp bênh lại dịch bệnh nên kinh tế gia đình không ổn định. Năm 2009, tình cờ được người quen giới thiệu giống nhím rừng, vợ chồng chị Hạ quyết định mua một cặp về nuôi thử. Sau một năm nuôi thử nghiệm, nhận thấy nhím là loài ăn tạp, dễ nuôi, thức ăn chỉ là các loại lá, rau, củ, quả sống, cám gạo…, chị Hạ tiếp tục nhân giống tăng đàn nhím. Để có thêm kinh nghiệm, chị Hạ cất công tìm đến những trại nuôi nhím số lượng lớn để học hỏi, đồng thời cập nhật thêm kiến thức từ sách, báo.
Mô hình nuôi nhím của gia đình chị Hoàng Thị Như Hạ (phường Bình Tân, thị xã Buôn Hồ). |
Hiện trang trại của chị Hạ có 60 con nhím, trong đó có 14 con nhím giống bố mẹ. Nhím cái sau một năm nuôi bắt đầu sinh sản, một con nhím mẹ đẻ 3 lứa mỗi năm, trung bình 2 - 3 con/lứa. Nhím con nuôi khoảng 6 tháng thì xuất bán, cân nặng khoảng 15 kg/con. Trung bình mỗi năm chị Hạ xuất bán 2 lứa nhím, với giá dao động từ 230.000 - 250.000 đồng/kg.
Ông Phạm Phi Long, Chủ tịch Hội Nông dân phường Bình Tân, thị xã Buôn Hồ
|
Chị Hạ cho biết, ưu điểm lớn nhất khi nuôi nhím là nguồn thức ăn đa dạng, có thể tự kiếm và trồng được nên giảm được một khoản lớn chi phí. Hệ thống chuồng nuôi xây dựng đơn giản, nền xi măng, cố định lồng nuôi bằng khung sắt, chia ra nhiều dãy, mỗi dãy ngăn thành nhiều lồng, mỗi lồng nuôi có kích thước 70 x 90 cm. Phân nhím có mùi rất khó chịu, do đó chuồng trại phải thiết kế thông thoáng để thuận tiện cho việc thu dọn hằng ngày.
Nhím là loài động vật còn nhiều bản năng hoang dã nên có sức đề kháng cao, dễ thích nghi với môi trường, ít bị dịch bệnh, nhẹ công chăm sóc, có thể vừa làm nghề khác vừa tranh thủ nuôi nhím kiếm thêm thu nhập. "Để nhím có sức đề kháng, tăng trưởng nhanh, tránh được bệnh tật, tôi sử dụng thêm men vi sinh trộn với thức ăn để cho nhím ăn hằng ngày. Khâu chăm sóc tuy đơn giản nhưng trong giai đoạn sinh sản phải hết sức cẩn trọng, hạn chế di chuyển chuồng trại vì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của nhím", chị Hạ chia sẻ.
Thịt nhím có tính hàn, tác dụng giải nhiệt, chất lượng thịt thơm ngon với thành phần dinh dưỡng cao. Để ổn định đầu ra cho sản phẩm, chị Hạ chủ động tìm nguồn cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn tại địa phương và một số địa phương lân cận. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Hạ còn sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật nuôi nhím và cung cấp con giống cho những ai có nhu cầu.
Thùy Linh
Ý kiến bạn đọc