Multimedia Đọc Báo in

Bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk năm 2019: Nhiều gam màu sáng

06:53, 01/01/2020

Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân đã tạo nên sự chuyển biến tích cực, toàn diện với nhiều gam màu sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2019.

Kinh tế tăng trưởng bền vững

Theo báo cáo UBND tỉnh, năm 2019, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng bền vững, đạt 9,23%, vượt kế hoạch (KH). Hầu hết các ngành, lĩnh vực đều có mức tăng trưởng cao hơn năm trước.

Cụ thể, ngành nông, lâm, thủy sản ước thực hiện 21.240 tỷ đồng, bằng 100% KH, tăng 4,6% so với năm 2018; ngành công nghiệp – xây dựng ước thực hiện 9.190 tỷ đồng, đạt 100% KH, tăng 10,4% so với năm 2018; ngành dịch vụ ước thực hiện 24.370 tỷ đồng, đạt 100% KH, tăng 12,1% so với năm 2019; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) ước đạt 1.450 tỷ đồng, tăng 30,2% so với năm 2018.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn ước thực hiện 75.047 tỷ đồng, đạt 102,8% KH, tăng 7,2% so với năm 2018; tổng kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 620 triệu USD, đạt 100% KH, tăng 3,33% so với năm 2018; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 6.910 tỷ đồng, đạt 126,9% dự toán Trung ương giao và đạt 101,5% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 17,6% so với năm 2018...

Nghiên cứu nhân giống cà phê theo phương pháp nuôi cấy mô ở Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên.  Ảnh: H.Gia
Nghiên cứu nhân giống cà phê theo phương pháp nuôi cấy mô ở Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên. Ảnh: H.Gia

Một điều đáng lưu ý, đó là sự phát triển mạnh mẽ của phong trào khởi nghiệp trong năm qua, với hàng loạt hoạt động được triển khai như: Ngày hội khởi nghiệp lần thứ I; ký kết thỏa thuận hợp tác thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tỉnh; ra mắt các nhà đầu tư thiên thần đồng hành cùng các dự án khởi nghiệp... Từ sự sôi động của phong trào khởi nghiệp, nhiều doanh nghiệp mới đã được thành lập. Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.050 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 4,6% so với năm 2018; nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh lên hơn 8.900 doanh nghiệp.

Công tác mời gọi, thu hút đầu tư được đẩy mạnh qua các hoạt động, hội nghị xúc tiến thương mại, trong đó "điểm nhấn" là Hội nghị xúc tiến đầu tư trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 tiếp tục tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận về tiềm năng, cơ chế chính sách đầu tư về các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, hạ tầng đô thị... để các nhà đầu tư tìm đến.

Tại hội nghị này, UBND tỉnh đã trao Bản ghi nhớ cho 19 nhà đầu tư với 27 dự án, tổng vốn đầu tư dự kiến 57.289 tỷ đồng và trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với 13 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 14.330 tỷ đồng. Trong năm 2019, toàn tỉnh thu hút được 55 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký lên khoảng 13.000 tỷ đồng (tăng 1,4 lần vốn đầu tư so với năm 2018)…

Các lĩnh vực xã hội đạt nhiều thành tựu

Bên cạnh những kết quả nổi bật về kinh tế, sự nghiệp văn hóa, giáo dục, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; phát triển khoa học và công nghệ,... cũng đạt nhiều thành tựu.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn. Chương trình giảm nghèo bền vững được các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện. Các chế độ, chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội như: vay vốn giải quyết việc làm, dạy nghề, khuyến nông, hỗ trợ nhà ở, trợ giúp pháp lý… được triển khai kịp thời, hiệu quả, đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 ước giảm 3,46%, đạt KH đề ra; tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 6,56%, vượt KH đề ra (KH 2019 là từ 4 đến 4,5%).

Sản xuất cà phê đặc sản ở Công ty TNHH Ngọc Mai Quang Trung, thôn Quang Trung, xã Ea Tân, huyện Krông Năng.
Sản xuất cà phê đặc sản ở Công ty TNHH Ngọc Mai Quang Trung, thôn Quang Trung, xã Ea Tân, huyện Krông Năng.

Kết quả đạt được trong lĩnh vực giáo dục, y tế cũng là những điểm sáng rất đáng ghi nhận. Trong năm 2019, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các cấp học được đẩy mạnh, số trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 46,5%, tăng 4% so với năm 2018. Chất lượng đào tạo mũi nhọn được nâng cao, tỉnh tiếp tục là đơn vị dẫn đầu trong 10 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong kỳ thi học sinh giỏi THPT cấp quốc gia.

Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được duy trì thực hiện tốt, với hơn 3,8 triệu lượt người được khám, hơn 317.800 lượt người điều trị nội trú và phẫu thuật cho hơn 77.400 lượt người. Số người tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đạt 1.638.000 người, tăng 1,5% so với năm 2018. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ước đạt 87,6%, tăng 0,3% so với KH đề ra.

Tạo sức bật mới trong năm 2020

Những gam màu sáng của năm 2019 chính là động lực, tạo đà để năm 2020 Đắk Lắk gặt hái thêm nhiều thành tựu, bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, để có được sự đột phá trong năm 2020, các cấp, ngành, địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế như sản xuất nông nghiệp, chế biến nông lâm sản, năng lượng tái tạo, du lịch; quan tâm phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác, có chính sách khuyến khích về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội có trọng tâm, trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, lành mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn kinh tế lớn.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.