"Chinh phục" giấc mơ khởi nghiệp
Với khát khao theo đuổi đam mê của mình, nhiều cô gái đã tự tin dấn thân, vượt qua những khó khăn, thử thách trên con đường “chinh phục” giấc mơ khởi nghiệp.
Nâng cao giá trị củ nghệ truyền thống
Với mong muốn làm được gì đó cho riêng mình, chị Lê Thị Thư (xã Ea Pil, huyện M’Đrắk) đã quyết định từ bỏ công việc tại một ngân hàng ở TP. Hồ Chí Minh để trở về quê hương lập nghiệp và từng bước xây dựng nên thương hiệu tinh nghệ Epis được nhiều người biết đến.
Năm 2017, thời điểm chị Thư trở về quê cũng là lúc người dân trồng nghệ tại địa phương đang đối mặt với nhiều khó khăn vì giá cả xuống thấp. Chứng kiến cảnh vườn nghệ của gia đình và nhiều hộ dân xung quanh đến vụ không được thu hoạch nên chị Thư đã nảy ra ý định chế biến nghệ củ thành tinh bột để bán. Chị Thư đã lấy một số mẫu củ nghệ tại M’Đrắk và các huyện Ea Kar, Krông Pắc gửi đi kiểm định để so sánh chất lượng thì nhận thấy rằng nghệ nếp đỏ (nghệ truyền thống) được trồng tại địa phương tuy củ nhỏ, lượng tinh bột ít nhưng có chất lượng cao hơn hẳn so với các loại nghệ khác.
Chị Thư (bên trái) tư vấn sản phẩm cho khách hàng. |
Đầu năm 2018, chị Thư tiến hành thu mua nghệ của người dân và đầu tư xây dựng khu nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc sản xuất, tiến tới thành lập Công ty TNHH Thương mại Epis giúp việc kinh doanh và quảng bá sản phẩm được thuận lợi hơn. Sản phẩm làm ra, đầu tiên chị giới thiệu cho một số người quen dùng thử và nhận được phản hồi tốt. Nhờ vậy, chỉ sau ba tháng kinh doanh, chị Thu đã bán hết toàn bộ số hàng mà chị dự tính sẽ bán trong vòng một năm.
Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất tinh bột nghệ, chị Thư còn nghiên cứu, tìm hiểu để tạo ra các sản phẩm từ nghệ đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn. Đến nay, chị đã hoàn thiện bộ sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp theo hướng an toàn, tự nhiên gồm: tinh bột nghệ nếp đỏ, son nghệ, mặt nạ nghệ, xà bông nghệ.
Để nhiều người biết đến Epis, chị Thư đã chủ động mang sản phẩm của mình giới thiệu tại các chương trình triển lãm, hội chợ nhằm tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện chị đang phát triển thị phần tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… Trung bình mỗi tháng, chị xuất ra thị trường 1.500 sản phẩm các loại, sau khi trừ chi phí, thu lãi khoảng 20 triệu đồng.
Đặc biệt, chị còn mạnh dạn thử sức tại các cuộc thi khởi nghiệp để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Với Dự án “Nâng cao giá trị củ nghệ truyền thống, thương hiệu tinh nghệ Epis”, chị Thư đã kêu gọi vốn đầu tư thành công với số tiền 300 triệu đồng tại “Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk lần thứ I, năm 2019”; xuất sắc lọt vào vòng chung kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” do Trung ương Đoàn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức.
Khởi nghiệp từ bơ
Tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương, chị Đặng Thị Ngọc Ly (xã Pơng Đrang, Krông Búk) đã khởi nghiệp thành công từ việc tự chế biến tinh dầu bơ mang thương hiệu Ly Ban Mê - đây là loại tinh dầu dùng trong chăm sóc sắc đẹp.
Gia đình chị Ly chuyên thu mua trái cây để phân phối ra thị trường các tỉnh trên cả nước. Vào mùa bơ, chị Ly thường thấy có một lượng bơ lớn bị bỏ lại vì không đạt yêu cầu nên đã nghĩ ra cách sử dụng nguồn bơ này để chế biến ra tinh dầu. Sau khi tham quan một số cơ sở chế biến tinh dầu và tìm hiểu cách làm trên Internet, tháng 6-2017, chị Ly bắt tay vào nấu thử tinh dầu bơ theo phương pháp thủ công với mục đích phục vụ nhu cầu của bản thân và gia đình.
Chị Ly (bên trái) giới thiệu sản phẩm với khách tham quan. |
Qua quá trình sử dụng thấy được hiệu quả của sản phẩm, chị Ly đã quyết định sản xuất tinh dầu bơ với số lượng lớn để bán ra thị trường. Để khách hàng yên tâm và tin tưởng về chất lượng của sản phẩm, chị thường xuyên quay phim trực tiếp cho người mua tận mắt thấy nguồn gốc nguyên liệu và toàn bộ quy trình chế biến tinh dầu. Ngoài ra, chị còn chú trọng thiết kế nhãn mác, bao bì cho sản phẩm. Chất lượng sản phẩm tốt cùng hình thức bắt mắt, tinh dầu bơ của chị nhanh chóng tìm được các mối làm ăn lâu dài tại các tỉnh, thành. Trung bình mỗi tháng, chị cung cấp cho thị trường từ 60-70 lít tinh dầu bơ, giá bán dao động từ 1-2 triệu đồng/lít. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, đầu năm 2019, chị đã đầu tư mua tủ cấp đông và hai chiếc máy đánh khô nhân bơ giúp chế biến tinh dầu được thuận lợi hơn. Công việc này không chỉ đem lại cho chị nguồn thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại địa phương.
Chị Ly bày tỏ dự định, trong thời gian tới, chị sẽ tìm hiểu để làm một số loại tinh dầu khác như sả, chanh dây và chế biến trái cây sấy nhằm góp phần nâng cao giá trị cũng như tìm hướng tiêu thụ cho cây ăn trái tại địa phương.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc