Multimedia Đọc Báo in

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN AN THÁI: Định vị tên tuổi doanh nghiệp gắn với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột

07:16, 27/01/2020

Là một trong những doanh nghiệp (DN) chủ lực của tỉnh đầu tư vào chế biến sâu để xuất khẩu, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển An Thái luôn tìm mọi cách để nâng cao giá trị gia tăng cho hạt cà phê, góp phần khẳng định vị thế, đưa thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột vươn xa.

Hơn 20 năm trong ngành, thương hiệu cà phê An Thái đã được nhiều nước trên thế giới biết đến. Sản phẩm cà phê của An Thái đã được xuất đi hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong kế hoạch phát triển thương hiệu riêng của mình, ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty tâm niệm, việc xây dựng thương hiệu của DN sản xuất chế biến cà phê phải gắn liền với thương hiệu của vùng miền, thương hiệu quốc gia. Từ việc phát triển thương hiệu cà phê An Thái sẽ xây dựng thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột đến thương hiệu cà phê Việt trên thị trường toàn cầu để xứng đáng với vị trí nước có sản lượng xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 trên thế giới.

Khách hàng tham quan dây chuyền sản xuất của Nhà máy chế biến Cà phê An Thái.
Khách hàng tham quan dây chuyền sản xuất của Nhà máy chế biến Cà phê An Thái.

An Thái là một trong những DN tiên phong làm “lý lịch, xuất xứ” cho Cà phê Buôn Ma Thuột. Hiện nay, các dòng sản phẩm cà phê của An Thái khi xuất bán đều được gắn logo có chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột với mục tiêu quảng bá hình ảnh ra bên ngoài cho Cà phê Buôn Ma Thuột nói chung và An Thái nói riêng.

Cà phê đã qua chế biến là mặt hàng kinh doanh cốt lõi của công ty. Hiện các sản phẩm của An Thái gồm có các dòng sản phẩm: cà phê hạt rang, cà phê bột, cà phê phin giấy, cà phê hòa tan nguyên chất, cà phê hòa tan phối trộn 3in1, 4in1… bằng công nghệ châu Âu, mang hai dòng thương hiệu HIUPCoffee (cà phê nguyên chất, hương vị tự nhiên) và AnTháiCafe (cà phê hương vị Việt).

Quan trọng hơn, từ tháng 1- 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho công ty An Thái thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện công nghệ và sản xuất đa dạng hóa các sản phẩm chế biến sâu từ cà phê Việt Nam rang xay chất lượng cao thuộc Dự án khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao”. Thời gian qua, An Thái cũng đã và đang nỗ lực đầu tư đổi mới công nghệ ứng dụng vào lĩnh vực sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ nông nghiệp để nâng cao giá trị hàng hóa của địa phương. An Thái đã áp dụng nhiều hệ thống quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất như: ISO 9001:2015, tiêu chuẩn HACCP, SNI, HALAL, KOSHER...

An Thái đang trên đà định vị thương hiệu, khẳng định vị trí của mình bằng việc coi trọng chất lượng, đổi mới, cải tiến về bao bì sản phẩm để cạnh tranh với các sản phẩm trên thị trường nội địa, đặc biệt các sản phẩm nhập khẩu, có xuất xứ nước ngoài; đồng thời tiến ra chinh phục thị trường xuất khẩu toàn cầu, đặc biệt xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm.

Sản phẩm của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái tham gia một hội chợ thương mại quốc tế về ngành cà phê.
Sản phẩm của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái tham gia một hội chợ thương mại quốc tế về ngành cà phê.

Tính đến nay, Tập đoàn An Thái gồm có 5 công ty thành viên và 5 nhà máy sản xuất với tổng diện tích xây dựng trên 8 ha, tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ từ phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm. Tập đoàn hoạt động ở 3 lĩnh vực chế biến chính, bao gồm: chế biến các sản phẩm từ cà phê; chế biến các sản phẩm từ trái cây (sầu riêng, bơ, mít, chanh dây, xoài…) bằng công nghệ sấy chân không, sấy lạnh, sấy thăng hoa, với hai dòng thương hiệu là An Phú Organic và NanuFood; các dòng sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh mang thương hiệu ANMIX với nguyên liệu chế biến được tận dụng từ các nguồn phế phẩm, bã cà phê, vỏ trái cây của các nhà máy.

Với ba lĩnh vực sản xuất chế biến nêu trên, An Thái hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu bằng việc tăng cường tính liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp với người dân, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp khác, gắn kết các yếu tố đầu vào đến các sản phẩm đầu ra nhằm nâng cao năng lực sản xuất, khai thác nguồn nguyên liệu một cách có hiệu quả, phát triển thị trường tiêu thụ ổn định.

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc