Multimedia Đọc Báo in

Khi nông dân tự đầu tư chế biến cà phê thành phẩm

15:03, 03/01/2020

Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư máy móc chế biến sâu, nâng cao giá trị cà phê, tăng thu nhập cho gia đình.

Những ngày cuối tuần, gia đình chị Trương Thị Hoa và anh Nguyễn Quốc Hồng - chủ cơ sở chế biến, kinh doanh cà phê bột nguyên chất Hồng Phát (thôn 3, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) rất bận rộn với công việc rang xay, đóng gói sản phẩm phục vụ khách hàng. Công việc chính của chị là bán tạp hóa, chồng làm giáo viên nhưng cả hai đều rất đam mê cà phê.

Cuối năm 2017, nhận thấy nhu cầu thị trường cần cà phê ngon, nguyên chất; địa phương có vùng nguyên liệu cà phê lớn nhưng người dân chủ yếu bán thô nên vợ chồng chị mạnh dạn kinh doanh cà phê rang xay thành phẩm. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, lại làm thủ công tốn thời gian, chất lượng cà phê không đều nên gia đình chị quyết định đầu tư máy móc rang xay bằng điện, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm và tiếp thu thêm phản hồi của khách.

Chị Trương Thị Hoa đóng gói sản phẩm cà phê bột nguyên chất.
Chị Trương Thị Hoa đóng gói sản phẩm cà phê bột nguyên chất.

Để có sản phẩm cà phê rang xay nguyên chất, chất lượng tốt, chị Hoa chỉ thu mua loại cà phê hái chín, sau đó sàng lọc, phân loại hạt to - nhỏ ra riêng để khi rang các hạt sẽ chín đều. Với mỗi loại kích thước hạt, độ cứng, độ bóng khác nhau, chị Hoa phải tính toán nhiệt độ và thời gian thật chuẩn xác để thu được những mẻ cà phê đúng chuẩn, hương vị đậm đà, không bị cháy khét. Mỗi năm, gia đình chị đưa ra thị trường từ 5-6 tấn cà phê thành phẩm, bán với giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg. Chị Hoa mong muốn tạo ra sản phẩm cà phê thơm ngon phục vụ người tiêu dùng với giá hợp lý nhất. Nếu có điều kiện, chị sẽ đầu tư cơ sở mặt bằng thu mua cà phê tươi chọn lọc giúp người nông dân có thêm một khoản thu nhập.

Anh Hoàng Văn Thắng (thôn 7, xã Ea Drông, TX. Buôn Hồ) đầu tư máy rang xay bằng điện để chế biến cà phê bột.
Anh Hoàng Văn Thắng (thôn 7, xã Ea Drông, TX. Buôn Hồ) đầu tư máy rang xay bằng điện để chế biến cà phê bột.
Cuộc cạnh tranh về giá khiến các thương hiệu làm cà phê chất lượng có phần yếu thế hơn các cơ sở sản xuất pha trộn. Thực tế, đã có nhiều người đầu tư vào lĩnh vực chế biến cà phê bột nhưng phải bỏ cuộc.

Tương tự, anh Hoàng Văn Thắng (thôn 7, xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ) cũng đầu tư hơn 100 triệu đồng mua máy móc rang xay cà phê thành phẩm. Anh Thắng bắt đầu kinh doanh cà phê bột từ năm 2015, vừa làm anh vừa nghiên cứu tìm ra công thức riêng cho sản phẩm gia đình. Anh chọn mua nguyên liệu ở một số khu vực trên địa bàn thị xã, nơi có điều kiện, khí hậu lý tưởng cho cà phê đơm hạt chất lượng.

Không chỉ kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào, anh Thắng còn chú trọng đến việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Anh luôn tự thẩm định chất lượng từng mẻ rang và mang mẫu đi kiểm nghiệm để bảo chứng cho sản phẩm cà phê do mình tự làm. Anh Thắng chia sẻ: Làm cà phê nguyên chất tự nhiên 100% đã khó, để bán được trên thị trường càng khó hơn. Trước khi “lấn sân” sang lĩnh vực rang xay chế biến cà phê bột, anh đã bỏ nhiều thời gian, công sức nghiên cứu thói quen, khẩu vị cà phê của khách hàng theo từng vùng miền, từng phân khúc thị trường để cho ra sản phẩm phù hợp.

Thị trường kinh doanh cà phê bột có sự cạnh tranh khốc liệt với sự ra đời của nhiều cơ sở chế biến. Giá cà phê bột của các thương hiệu uy tín không dưới 100.000 đồng/kg, nhưng với các cơ sở làm cà phê pha trộn giá chỉ có 50.000 - 60.000 đồng/kg. Hơn nữa, chính dòng sản phẩm nguyên chất cũng “kén” khách khi người tiêu dùng đã quen sử dụng cà phê pha trộn. Dù gặp nhiều khó khăn, anh Thắng vẫn kiên định với con đường chế biến cà phê sạch, nguyên chất. Hiện anh đang tìm nhiều cách tiếp thị sản phẩm như tham gia trưng bày giới thiệu cà phê tại hội chợ thương mại, tận dụng mạng xã hội để đưa sản phẩm cà phê đi khắp thị trường cả nước. Với anh, đầu tư chế biến cà phê không chỉ vì thu nhập mà còn mong muốn góp phần nâng cao giá trị hạt cà phê.

Thanh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.