Multimedia Đọc Báo in

Không lo thiếu thịt heo dịp Tết

09:14, 15/01/2020

Theo Sở Công thương, trên cơ sở tổng đàn heo hiện có và các phương án điều phối nguồn cung thì tỉnh Đắk Lắk sẽ không lo thiếu hụt thịt heo trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Thịt heo là mặt hàng tiêu dùng chủ yếu của người dân. Thế nhưng dịch tả heo châu Phi xảy ra trên địa bàn từ cuối tháng 5-2019 đến nay đã làm ảnh hưởng đến nguồn cung, đẩy giá thịt heo bán ra tại các chợ truyền thống tăng vọt. Giá thịt đã lập đỉnh mới, có thời điểm lên đến 140.000 đồng/kg (thịt đùi, thịt ba chỉ), 200.000 đồng/kg sườn non, tăng 60.000 đồng/kg so với trước đây. Nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh cho biết, mức giá này là “kỷ lục” từ trước đến nay. Thời điểm hiện tại, giá thịt heo đang có dấu hiệu “hạ nhiệt’ khi giá bán ra tại các chợ đã giảm từ 10.000 - 15.000 đồng/kg tùy loại. 

Trước thực trạng trên, không chỉ các tiểu thương mà nhiều người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh không khỏi lo lắng: Liệu giá thịt heo có tăng mạnh và khan hiếm trong dịp Tết? Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở Công thương Phạm Thái, xác nhận, thịt heo bán ra trên thị trường tỉnh đang ở mức giá cao. Do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, tốc độ tái đàn diễn ra chậm nên giá thịt heo dịp Tết dự đoán vẫn khó xuống thấp.

Người dân mua thịt bình ổn giá tại Siêu thị Co.opmart Cư M'gar.
Người dân mua thịt bình ổn giá tại Siêu thị Co.opmart Cư M'gar.

Cũng theo ông Thái, phương án bảo đảm nguồn cung, không để thiếu thực phẩm trong dịp Tết, trong đó thịt heo là một trong những mặt hàng chiến lược để bình ổn đã được ngành Công thương tỉnh tính đến. Theo đó, Sở Công thương đang phối hợp với các sở, ngành liên quan kêu gọi các doanh nghiệp đầu mối tăng cường đưa thịt heo vào trong nhóm hàng bình ổn. Đồng thời, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng các nguồn thực phẩm khác như thịt bò, thịt gà, vịt, hải sản… để thay thế, tránh gây sức ép lên nguồn cung thịt heo khiến giá cả tăng cao trong dịp Tết. Sở cũng phối hợp với Cục Quản lý thị trường, các cơ quan chức năng liên quan theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường để có biện pháp tổ chức điều chỉnh hàng hóa ở những khu vực xảy ra biến động về giá, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết sắp đến.

Còn theo Sở NN-PTNT, trên cơ sở đàn heo hiện có, nhu cầu thực tế và khả năng cung ứng, điều phối nguồn cung thì trên địa bàn tỉnh không lo thiếu thịt heo trong dịp Tết này. Sở này cho biết, dù có ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, nhưng tình hình chăn nuôi của tỉnh vẫn duy trì ổn định và gia tăng quy mô sản xuất vào những tháng cuối năm, nhất là chăn nuôi heo. Sản phẩm chăn nuôi đang từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ về chất lượng cũng như số lượng. Hiện đàn heo của toàn tỉnh có đến 810 nghìn con, sản lượng thịt heo hơi 145 nghìn tấn, tăng 40.200 con và 9.500 tấn so với cuối năm 2018. Như vậy, có thể nói nguồn cung thịt heo vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Ở kênh phân phối bán lẻ, để bảo đảm nguồn cung thịt heo trong dịp Tết, các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch chuẩn bị thịt heo bằng việc tìm kiếm thêm nhà cung cấp, ký kết hợp đồng dài hạn để cung ứng thịt heo và giữ mức giá ổn định cho người tiêu dùng. Hiện nay, mỗi ngày Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột cung cấp 5 tạ thịt heo để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, những ngày cận tết dự kiến sẽ tăng lên 7 tạ. Thịt heo cũng là mặt hàng nằm trong chiến lược bình ổn giá từ nay đến Tết Nguyên đán của siêu thị này. Bà Trần Thị Thành Nhân, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột cho biết, thịt heo bán ra tại siêu thị đang được nhập từ các hợp tác xã quy mô lớn ở huyện Buôn Đôn và Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, lượng cung ổn định, kiểm soát dịch bệnh tốt. Tuy nhiên, siêu thị cũng đã tính đến phương án ký kết hợp đồng với Công ty Vissan, trong trường hợp nếu thiếu hụt nguồn cung thì sẽ nhập thịt heo đông lạnh của đơn vị này về bán, cam kết bảo đảm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.

Tương tự,  Siêu thị MM Mega Market Buôn Ma Thuột cũng nhập về hơn 2 tạ heo mỗi ngày để bán, dịp Tết sẽ tăng lên 50%. Để không gây đột biến về giá, siêu thị cũng tham gia bình ổn mặt hàng thịt heo với giá bán hiện thấp hơn thị trường 7% và ưu tiên nhập nguồn hàng tại chỗ. Trong trường hợp khan hiếm thịt heo, siêu thị cũng có thể điều phối nguồn hàng trong cùng hệ thống của từ các tỉnh lân cận. Ngoài ra, các sản phẩm thịt nhập khẩu đông lạnh khác như bò, gà... cũng được siêu thị tăng cường nhập về để bày bán nhằm cung cấp cho khách hàng nguồn thực phẩm khác để chọn mua, thay thế thịt heo.

Các siêu thị như Co.opmart Buôn Hồ, Co.opmart Cư M'gar cũng cam kết bảo đảm đủ lượng thịt heo cung cấp cho người tiêu dùng tại địa phương. Ông Bùi Quang Hòa, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Buôn Hồ cho hay, siêu thị đang tăng lượng thịt heo nhập về mỗi ngày, đẩy mạnh khâu cung ứng và thực hiện bình ổn giá đối với 10 mã hàng thịt heo để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết.

Trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi bùng phát thì năm 2019 có 3 dự án chăn nuôi heo nái quy mô lớn, khoảng 5.600 con được đầu tư tại huyện Buôn Đôn đi vào sản xuất ổn định. Bình quân mỗi tháng, các dự án này sản xuất 17.000 con heo giống phục vụ mục đích nuôi thương phẩm trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó đã góp phần đáng kể cho việc ổn định và phát triển đàn heo của địa phương.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.