Multimedia Đọc Báo in

Những nhà nông trẻ năng động

07:14, 29/01/2020

Những người trẻ “làm bạn” với nông nghiệp sạch không chỉ là hướng đi mới để tìm kiếm giá trị kinh tế mà còn có sự thay đổi trong quan niệm về nghề nông và khát khao gắn bó lâu dài với đồng đất quê hương. Bằng niềm đam mê, họ làm nông nghiệp một cách tử tế và giàu kiến thức.

Giấc mơ rau sạch cho mọi nhà

Tốt nghiệp trung cấp ngành Y học cổ truyền và làm việc tại TP. Hà Nội một thời gian, Vũ Thị Kiều Oanh (SN 1990, ở xã Krông Jing, huyện M’Đrắk) nhận thấy nhu cầu thực phẩm sạch được người dân đặc biệt quan tâm. Từ đó, chị quyết định trở về địa phương trồng rau thủy canh với mong muốn cung cấp sản phẩm sạch tới người tiêu dùng, thay đổi cách làm nông nghiệp truyền thống.

Sau khi tìm hiểu và nhận thức rõ về thương hiệu rau sạch, chị Oanh mạnh dạn “gọi vốn” từ người thân thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp sạch M’Đrắk Farm. Trước khi chính thức khởi nghiệp, chị Oanh dành thời gian, công sức tham gia một số hội thảo, học hỏi công nghệ, kỹ thuật về mô hình này. Khi đã nắm vững kỹ thuật, chị đầu tư hệ thống trồng rau an toàn theo mô hình thủy canh hồi lưu tiêu chuẩn VietGAP, gồm: nhà kính 1.000 m2, thiết kế giàn giá thể trồng rau, hệ thống đường ống dẫn dưỡng chất, tưới nhỏ giọt, sử dụng hạt giống ngoại nhập...

Mô hình trồng rau thủy canh  của chị Vũ Thị Kiều Oanh  (huyện M’Đrắk).
Mô hình trồng rau thủy canh của chị Vũ Thị Kiều Oanh (huyện M’Đrắk).

Chị Oanh chia sẻ: “Quy trình chăm sóc rau thủy canh rất kỹ lưỡng và chặt chẽ. Thay cho gieo trồng trên mặt đất, hạt giống được ươm trong các bầu giá thể có sẵn phân vi sinh hữu cơ trộn xơ dừa theo tỷ lệ thích hợp. Sau khoảng 10 ngày, cây được đưa ra cấy trên luống. Nước tưới qua các bể lọc đi qua hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây.  Phân bón cũng được hòa tan sau đó theo hệ thống nước này cung cấp chất dinh dưỡng cho cây”.

Với phương pháp thủy canh trong nhà kính, cây rau phát triển nhanh, đồng đều, không bị côn trùng gây hại tấn công, không phụ thuộc vào thời tiết, hệ thống nước tưới tự động tiết kiệm công lao động. Các giá thể có chứa chất hữu cơ đã được xử lý nấm bệnh, sau 30 - 45 ngày xuống giống, rau cho thu hoạch mà không phải phun thuốc bảo vệ thực vật.

Hiện tại, với hình thức trồng gối vụ, đa dạng các loại rau, như: xà lách, cải, dưa leo, cà chua trái cây…, bình quân mỗi tháng chị Oanh thu từ 1,5 - 2 tấn rau, giá bán từ 25.000 - 80.000 đồng/kg. Sản phẩm đã có mặt tại một số siêu thị và cửa hàng thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Từ thành công bước đầu, chị Oanh dự định triển khai mô hình trồng rau hữu cơ quy mô 8.000m2 và chăn nuôi gà thả vườn, kỳ vọng phát triển du lịch nông nghiệp trải nghiệm, nhân rộng giấc mơ rau sạch đến gần mọi người hơn.

Từ thầy giáo… thành nông dân hiện đại

Sau 6 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy giáo Tạ Vũ Thanh Đạt (SN 1989, ở xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar) quyết định rẽ ngang làm nông nghiệp. Vốn yêu thích trồng trọt, ham học hỏi những phương thức canh tác mới và nhận thấy tiềm năng của địa phương, thầy giáo Đạt luôn nung nấu ý chí làm nông nghiệp sạch.

Anh Tạ Vũ Thanh Đạt (huyện Cư M’gar)  chăm sóc vườn  dưa lưới.
Anh Tạ Vũ Thanh Đạt (huyện Cư M’gar) chăm sóc vườn dưa lưới.

Năm 2018, sau khi nghiên cứu kỹ càng tài liệu, tìm hiểu trên Internet và từ những người đi trước, anh Đạt quyết định hiện thực hóa giấc mơ của mình bằng mô hình sản xuất dưa lưới công nghệ cao.

Bước đầu, anh Đạt đầu tư xây dựng nhà kính với diện tích 160 m2 nhằm chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập; đồng thời áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động Isreal kết hợp bón phân tới từng gốc cây. Trong quá trình cây sinh trưởng chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học để bảo đảm sản phẩm an toàn, chất lượng.

Anh Đạt chia sẻ kinh nghiệm: Khi dưa bắt đầu ra hoa thì tiến hành thụ phấn bằng cách lợi dụng “biệt đội siêu anh hùng” - tức là đưa một thùng nuôi ong mật thả vào nhà màng để ong giúp cây thụ phấn. Khi dưa đậu trái, mỗi gốc chỉ chừa lại một trái và thường xuyên cắt, tỉa lá, nhánh để cây tập trung dinh dưỡng nuôi trái. Trung bình một năm anh Đạt trồng được 3 lứa dưa, sản lượng đạt khoảng 2 tấn.

Sau gần 2 năm trồng thử nghiệm dưa lưới, anh Đạt dự kiến xây dựng thêm hệ thống nhà kính và tăng diện tích trồng dưa lên 480 m2 vào đầu năm 2020. Ngoài dưa lưới, mỗi năm anh Đạt còn trồng khoảng 4.000 cây hoa ly giống manisa và tarango để phục vụ dịp Tết.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.