Multimedia Đọc Báo in

Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã: Kênh gỡ khó vốn đầu tư sản xuất

09:57, 10/01/2020

Hơn 10 năm qua, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã đã tiếp thêm nguồn lực để các hợp tác xã (HTX) đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2007, với nguồn vốn được ngân sách tỉnh cấp dần qua từng năm, nguồn bổ sung từ lãi khoản vay và đóng góp của HTX tham gia thành viên vay vốn của quỹ. Giai đoạn 2017 - 2019, quỹ được cấp thêm 2 tỷ đồng mỗi năm, nâng tổng nguồn vốn lên gần 16,4 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách tỉnh gần 13,5 tỷ đồng. Mỗi HTX được vay tối đa 700 triệu đồng, thời hạn khoản vay tối đa là 36 tháng, có phân kỳ trả nợ. Lãi suất vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX được áp dụng theo lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội (hiện là 0,55%/tháng), thấp hơn nhiều so với lãi suất của các ngân hàng thương mại ở cùng thời điểm.

Từ khi thành lập quỹ đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã giải quyết cho 96 lượt HTX vay vốn với tổng doanh số cho vay 20,45 tỷ đồng. Riêng trong năm 2019 đã có 9 HTX được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của quỹ với tổng số tiền giải ngân là 5,8 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các HTX đã đầu tư máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động thành viên.

Giám đốc các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tìm hiểu công nghệ đóng gói sản phẩm ở Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên tại Đắk Lắk.
Giám đốc các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tìm hiểu công nghệ đóng gói sản phẩm ở Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên tại Đắk Lắk.

HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thái Hải (huyện Lắk) hoạt động trong lĩnh vực khai thác thủy nông, mua bán vật tư nông nghiệp, liên kết sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm với các doanh nghiệp. Vụ đông xuân 2018 – 2019, HTX xây dựng cánh đồng mẫu lớn rộng 200 ha tại xã Buôn Tría và xã Buôn Triết, ước sản lượng thu hoạch lên đến 2.000 tấn lúa. Tuy nhiên, đến vụ thu hoạch, HTX không chủ động được máy gặt, phải phụ thuộc vào máy thuê bên ngoài khiến thời gian thu hoạch kéo dài, tỷ lệ thất thoát cao, năng suất thực tế giảm hơn so với dự kiến.

Giữa năm 2019, HTX đã vay 700 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX để mua 1 máy gặt đập liên hợp, kịp thời đưa vào sử dụng trong vụ hè thu. Ông Nguyễn Ngọc Côn, Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thái Hải phấn khởi chia sẻ, nhờ nguồn vốn vay từ quỹ lớn, với lãi suất thấp đã giúp HTX mạnh dạn hơn trong việc đầu tư sản xuất. Khi có máy gặt đập liên hợp, HTX không chỉ chủ động hơn trong việc lập kế hoạch sản xuất, ký hợp đồng cung ứng với các đối tác mà còn tạo thêm việc làm và nguồn thu nhập cho lao động thành viên của HTX.

Còn đối với HTX Xây dựng kinh doanh tổng hợp Phú Lộc (huyện Krông Năng), năm 2019 là lần thứ hai HTX được duyệt vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX sau khi đã hoàn thành việc trả lãi và gốc khoản vay trước. Ông Trần Văn Xuân, Giám đốc HTX Phú Lộc cho biết, khoản vốn 400 triệu đồng HTX vay năm 2017 được sử dụng để mua 1 xe ben chở vật liệu xây dựng. Nhờ tích cực mở rộng phạm vi hoạt động trong lĩnh vực cung cấp vật liệu, xây dựng công trình bê tông hóa nông thôn ở trong và ngoài tỉnh nên doanh thu và lợi nhuận của HTX liên tục tăng. Riêng năm 2019, doanh thu HTX tăng gần 2 tỷ đồng so với năm trước, đạt trên 5 tỷ đồng. Tháng 11 vừa qua, HTX tiếp tục được Quỹ cho vay 700 triệu đồng để mua thêm xe tải chở gạch và máy trộn bê tông với tổng trị giá trên 1 tỷ đồng, giúp HTX tiếp tục phát triển hoạt động sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thái Hải phối hợp xây dựng mô hình trình diễn về lúa nước tại cánh đồng xã Buôn Triết (huyện Lắk).
HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thái Hải phối hợp xây dựng mô hình trình diễn về lúa nước tại cánh đồng xã Buôn Triết (huyện Lắk).

Theo Liên minh HTX tỉnh, chính sách hỗ trợ về vốn thông qua Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đã góp phần khắc phục khó khăn lớn nhất của các HTX hiện nay là thiếu vốn sản xuất và khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định của Chính phủ về Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX (đã qua 2 lần lấy ý kiến), nếu nguồn quỹ của các tỉnh không đủ 20 tỷ đồng thì phải giải thể. Đây có thể sẽ là khó khăn cho các HTX nếu Nghị định được ban hành mà ngân sách cấp không đủ mức tối thiểu theo quy định.

Hiện toàn tỉnh có 2 HTX hoạt động không hiệu quả, đã ngừng hoạt động nhưng chưa trả hết nợ gốc và lãi vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX là HTX Vận tải Ea Knốp (số nợ gốc 160 triệu đồng) và HTX Nông nghiệp Duyên Khánh (số nợ gốc 300 triệu đồng).

Đinh Nga

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.