Áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi dê
Trước đây, anh Nguyễn Tấn Siêu (SN 1994, ở tổ dân phố 9, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) làm ruộng rẫy nhưng do chưa có kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế không cao. Anh quyết định chuyển hướng sang chăn nuôi và đi nhiều nơi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi thành công.
Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, anh Siêu quyết định chọn dê là vật nuôi chính bởi tốn ít vốn đầu tư, quay vòng nhanh, có thể tận dụng được thời gian lao động nông nhàn, đặc biệt là giá bán khá cao so với các loại vật nuôi khác.
Năm 2016, anh Siêu bắt tay vào làm chuồng và mua 20 con dê giống về nuôi. Năm sau, anh tiếp tục mua thêm 30 con dê giống, phát triển thành trang trại nuôi dê để cung cấp nguồn dê thịt và dê giống ra thị trường. Chỉ trong vòng 4 năm tích cực nhân giống và chăm sóc, đàn dê của gia đình anh đã tăng lên 150 con, với 50 con dê thịt và 50 con giống, số còn lại là dê con. Hiện anh Siêu đang sở hữu trang trại dê rộng trên 3 sào, nuôi 4 giống dê: Beetal, Saanen, Boer và dê Bách Thảo.
Anh Siêu đang chăm sóc đàn dê của gia đình. |
Dê giống từ 2 - 3 tháng tuổi, cân nặng 16 - 25 kg/con là có thể xuất chuồng. Mỗi tháng anh Siêu xuất bán khoảng 20 con dê giống các loại, giá dao động từ 130.000 - 140.000 đồng/kg, còn dê thịt có giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg. Cộng với tiền bán sữa và phân dê, mỗi năm thu nhập từ trại dê của anh Siêu lên đến 300 triệu đồng.
Theo anh Siêu, để nuôi dê nhốt chuồng đạt hiệu quả cao, ngoài am hiểu đặc điểm của loài dê thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi dê rất quan trọng, từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Trang trại nuôi dê được anh bố trí rất ngăn nắp và khoa học, có cây xanh chắn gió che nắng, đào ao điều hòa tiểu khí hậu, có chuồng sàn cho dê ở, trong đó phân thành nhiều ngăn nhốt riêng dê đực, dê cái, dê thịt. Ngoài ra, anh còn sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải chăn nuôi; định kỳ tẩy giun sán, vắc xin phòng các dịch bệnh chính (lở mồm long móng, tụ huyết trùng, hoại tử ruột và bệnh đậu).
Hiệu quả chăn nuôi đạt cao còn do anh Siêu biết khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế sẵn có của đồng quê, có nhiều cỏ non, lá cây mọc sẵn trong vườn, bờ ruộng và gần ao hồ để chăn thả đàn dê. Đặc biệt, trong quá trình chăn nuôi, anh Siêu còn cho dê ăn thêm một số lá cây thảo dược như cỏ ngọt, cỏ xước, đinh lăng, khổ sâm, kim ngân, ngưu tất, hồng ngọc, bồ công anh... vừa giúp tăng cường khả năng kháng bệnh cho dê, vừa gia tăng chất lượng thịt dê thương phẩm. Nhờ cách chăn nuôi này, các loại dê của anh Siêu bao giờ cũng bán được giá cao hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 10 - 15%.
Nhận định thịt dê là thực phẩm sạch và bổ dưỡng nên giá chỉ có tăng hoặc ổn định chứ ít khi giảm nên anh Siêu dự định trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại, nâng số lượng dê nuôi thường xuyên lên 300 - 400 con.
Đoàn Dũng
Ý kiến bạn đọc