Multimedia Đọc Báo in

Buôn Đôn chủ động các biện pháp chống hạn

09:12, 06/02/2020

Thời điểm sau Tết Nguyên đán thường là giai đoạn khô hanh, hiện nguồn nước ở các ao, hồ, sông suối trên địa bàn huyện Buôn Đôn đang giảm nhanh.

Để chủ động ứng phó với khả năng hạn hán, huyện đã xây dựng và triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân.

Cải thiện nguồn cung cấp nước tưới

Theo Phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn, hiện trên địa bàn huyện có 18 công trình thủy lợi, trong đó có 9 hồ chứa và 9 đập dâng với năng lực tưới cho 936 ha lúa, 250 ha cà phê và 666 ha hoa màu các loại. Các công trình thường xuyên được kiểm tra tu bổ, nâng cấp nên hầu hết đều phát huy được năng lực tưới đề ra. Diện tích chủ động nguồn nước từ hồ chứa khoảng hơn 100 ha tại các công trình Đăk Minh, Đrang Phốk, Jang Lành; số diện tích còn lại chủ yếu được tưới từ đập dâng và nguồn nước phụ thuộc hồ Buôn Joong (huyện Cư M'gar).

Trước tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, dự báo nắng hạn ở mức độ gay gắt hơn so với các năm trước đây do mùa mưa năm 2019 kết thúc sớm, UBND huyện Buôn Đôn đã xây dựng kế hoạch chống hạn vụ đông xuân 2019-2020, đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương xây dựng kế hoạch tưới tiêu, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả; kiểm tra, đánh giá khả năng cung cấp nước của hệ thống hồ đập, công trình thủy lợi để bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp. Vận động người dân trồng một số loại cây rau màu ngắn ngày và chịu hạn tốt.

Cùng với đó, chỉ đạo Phòng NN-PTNT huyện phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi - Chi nhánh Buôn Đôn xây dựng kế hoạch điều tiết nước, lịch tưới phù hợp; đẩy mạnh công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình, hồ chứa xuống cấp; cử cán bộ trực tiếp đến các xã hướng dẫn người dân cách thức lấy nước nhằm giảm thiểu thất thoát nước. Huy động nhân dân nạo vét, tu bổ lại hệ thống kênh mương, các cửa cống lấy nước, trạm bơm, khơi thông dòng chảy phục vụ sản xuất vụ đông xuân.

Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn và Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi - Chi nhánh Buôn Đôn kiểm tra mực nước tại hồ Đắk Huar, xã Ea Huar.
Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn và Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi - Chi nhánh Buôn Đôn kiểm tra mực nước tại hồ Đắk Huar, xã Ea Huar.

Bà Trần Thị Thủy, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn cho hay, do có sự chủ động trong phòng, chống hạn, đến thời điểm này, hầu hết diện tích gieo trồng vụ đông xuân của huyện được đảm bảo đủ nước tưới; các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Trong đó, cây lúa chính vụ chuẩn bị cho thu hoạch, hoa màu các loại cơ bản đã thu hoạch xong nên không chịu nhiều ảnh hưởng khô hạn. Tuy nhiên đối với các loại cây dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả các loại, khả năng thiếu nước tưới sẽ diễn ra với mức độ phức tạp khó lường, đặc biệt là nguồn nước phục vụ sinh hoạt và nước uống cho gia súc.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Trước tình hình khô hạn có thể xảy ra trên một phần diện tích cây dài ngày, một số cụm dân cư có khả năng thiếu nước sinh hoạt, huyện đã chỉ đạo các xã thực hiện nhiều biện pháp như nạo vét, sửa chữa các công trình thủy lợi, các công trình cấp nước bị hư hỏng, khơi sâu thêm giếng đào, tăng cường các biện pháp trữ nước. Đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân sử dụng tiết kiệm nguồn nước, hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm tràn lan, quá mức cho việc tưới cây trồng nhằm chủ động ứng phó với tình hình nắng hạn trong thời gian tới.

Mô hình tưới phun mưa tự động cho bầu bí của gia đình ông Nguyễn Duy Phóng ở thôn 1, xã Ea Huar.
Mô hình tưới phun mưa tự động cho bầu bí của gia đình ông Nguyễn Duy Phóng ở thôn 1, xã Ea Huar.

Chủ tịch UBND xã Ea Wer Ngô Lan Anh cho biết, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt hiện nay, để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và tưới cho cây trồng, xã đã khuyến khích và vận động người dân áp dụng các mô hình tưới nước tiết kiệm, tưới luân phiên, đồng thời chỉ đạo cán bộ phụ trách nông nghiệp thường xuyên thăm nom đồng ruộng để kịp thời phát hiện những diện tích cây trồng có khả năng thiếu nước, nhất là những khu vực cuối nguồn để có văn bản đề nghị điều tiết, bổ sung nước tưới kịp thời. Việc thực hiện các biện pháp chống hạn trong thời điểm này là hết sức quan trọng không để người dân thiều nước sinh hoạt và cây trồng gián đoạn quá trình sinh trưởng, phát triển, góp phần làm giảm thiệt hại khi có hạn hán xảy ra.

Xã Tân Hòa cũng là địa phương chịu ảnh hưởng tương đối nặng nề từ đợt hạn hán xảy ra vào năm 2019, do đó ngay từ khi mùa mưa chấm dứt, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân trong phòng, chống hạn. Bên cạnh việc vận động bà con xuống giống sớm đối với những loại cây như lúa nước, hoa màu và sử dụng các giống lúa ngắn ngày, có khả năng chịu hạn tốt, UBND xã còn phối hợp với Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi - Chi nhánh Buôn Đôn chủ động xây dựng phương án bơm nước trong các hồ thủy lợi vào hệ thống kênh để phục vụ việc tưới nước của người dân. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn vận động bà con giảm diện tích trồng lúa đối với khu vực không có nguồn nước để chống hạn; tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc sử dụng nước tiết kiệm và sử dụng các biện pháp tích trữ nước sinh hoạt, bơm chống hạn...

Năm 2019, trên địa bàn huyện Buôn Đôn xảy ra tình trạng nắng nóng gay gắt, mùa mưa kết thúc sớm và lượng mưa thấp hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Đắk Lắk, tình trạng thiếu hụt nước sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô năm 2020 trên địa bàn huyện Buôn Đôn sẽ ở mức báo động cao.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.