Multimedia Đọc Báo in

Chung tay "giải cứu" dưa hấu

09:15, 12/02/2020

Do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV), người trồng dưa hấu trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về giá cả và tiêu thụ.

Trước tình trạng đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay “giải cứu” dưa hấu với mong muốn giúp nông dân thoát khỏi vụ mùa trắng tay.

Năm nay, gia đình ông Lê Y (xã Ea Bông, huyện Krông Ana) trồng 5 sào dưa hấu, với sản lượng ước tính đạt 30 tấn, ông hy vọng về một vụ mùa bội thu. Tuy nhiên bị ảnh hưởng của dịch bệnh do nCoV nên đến nay vườn dưa hấu đã bắt đầu cho thu hoạch nhưng không thể tiêu thụ được khiến gia đình ông đứng ngồi không yên.

Theo ông Y, mọi năm vào thời điểm này các thương lái đã tìm đến tận vườn nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 5.000 - 7.000 đồng/kg nhưng nay giá dưa rớt chỉ còn từ 1.000 - 1.500 đồng/kg và cũng chỉ bán được tại các chợ trên địa bàn huyện. Nếu may mắn bán hết số dưa hấu trên ruộng thì gia đình ông Y cũng mới thu về được nửa số vốn đầu tư.

Dưa hấu được bày bán tại Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột.
Dưa hấu được bày bán tại Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột.

Không riêng gia đình ông Y mà đó là tình cảnh chung mà người trồng dưa trên địa bàn tỉnh hiện nay đang gặp phải. Đặc biệt, tại một số vùng trồng dưa hấu tại xã Ya Tờ Mốt, Cư M’lan (huyện Ea Súp), giá bán chỉ còn 500 - 700 đồng/kg. Thậm chí, dưa hấu đã thu hoạch được người dân chất đầy từ nhà ra ngõ nhưng không ai mua dẫn đến hư hỏng. Do đó, nhiều bà con nông dân đành chấp nhận bỏ cả ruộng dưa thay vì thu hoạch.

Thấu hiểu và mong muốn chia sẻ cùng những khó khăn của người trồng dưa, nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia “giải cứu” dưa hấu. Qua quá trình khảo sát thực tế, chị Nguyễn Thị Xuân Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột) nhận thấy trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều diện tích dưa hấu đã đến vụ thu hoạch nhưng không xuất được qua Trung Quốc do dịch bệnh nên rớt giá thê thảm.

Nhằm hỗ trợ người trồng dưa hấu, chị Hương đã liên hệ trực tiếp với Hội Nông dân các huyện Ea Súp, Krông Ana, Krông Bông, Cư Kuin… để nắm bắt tình hình và thu mua dưa hấu tận vườn cho người dân với giá cao hơn thương lái; đồng thời kết nối với các cửa hàng thực phẩm, siêu thị tại TP. Buôn Ma Thuột để tiêu thụ.

Chỉ tính từ ngày 7 đến ngày 9-2, chị đã cung cấp cho siêu thị Vinmart Buôn Ma Thuột, siêu thị Thành Phát 1, Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột và phân phối đi các tỉnh thành khoảng 100 tấn dưa hấu. Hiện chị đã kết nối được với Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vincommerce thuộc Tập đoàn Vingroup nhận mua khoảng 40 tấn dưa hấu/ngày. Dự kiến, mỗi tuần, chị sẽ hỗ trợ tiêu thụ được khoảng 300 tấn dưa hấu cho người dân.

Người dân mua dưa hấu tại siêu thị Vinmart Buôn Ma Thuột.
Người dân mua dưa hấu tại siêu thị Vinmart Buôn Ma Thuột.

Anh Võ Thành Trung, quản lý Siêu thị Vinmart Buôn Ma Thuột cho biết: “Việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản là cách để doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, giúp bà con vượt qua khó khăn về đầu ra sản phẩm. Bắt đầu từ ngày 7-2, siêu thị bán dưa hấu với giá là 3.500 đồng/kg, ước tính sức tiêu thụ khoảng 2 tấn/ngày. Chương trình này sẽ được kéo dài liên tục đến khi đầu ra hàng hóa, nông sản của bà con dần đi vào ổn định”.

Còn tại Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột, dưa hấu được Ban quản lý bày bán tại vị trí gần cổng ra vào để khách tham quan dễ dàng nhìn thấy. Với khẩu hiệu "Giải cứu dưa hấu", người mua được tự ý lựa chọn và mang đi số lượng dưa mình muốn mà không cần cân ký còn tiền thì tùy tâm của mỗi người. Được biết, toàn bộ số tiền bán dưa sẽ được trả lại cho người dân trồng dưa. Cách làm này đã tạo được hiệu ứng sâu rộng khi ngày càng có nhiều người không chỉ tìm đến đây để mua dưa hấu ủng hộ mà còn sẵn sàng tham gia hỗ trợ vận chuyển và bày bán.

Với chương trình chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ dưa hấu, một số siêu thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã áp dụng giá bán hàng không lợi nhuận nhằm kêu gọi người tiêu dùng giúp đỡ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn.

Mong muốn chung sức giúp người dân tiêu thụ dưa hấu, chị Nguyễn Thị Ái Ngân (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) đã  cùng nhóm từ thiện Cư M’gar và nhóm thiện nguyện Hoa Sen 47 liên hệ với các chủ vườn trồng dưa hấu tại tỉnh Gia Lai để thu mua giúp bà con. Chị Ngân cũng đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ phương tiện để tiết kiệm chi phí vận chuyển. Ngoài ra, nhóm của chị đã thành lập các điểm bán dưa tại thị trấn Quảng Phú và thị trấn Ea Pốk. Toàn bộ tiền lãi thu được từ việc bán dưa, chị sẽ dùng để mua khẩu trang y tế phát miễn phí cho người nghèo và sử dụng vào các hoạt động thiện nguyện.

Với tinh thần tương thân tương ái, phong trào "giải cứu dưa hấu" đã nhanh chóng được người tiêu dùng quan tâm và ủng hộ rất nhiệt tình. Tại các địa điểm bán dưa, đã thu hút đông đảo người dân đến mua. Em Nguyễn Hồ Yến Nhi (học sinh lớp 9, Trường TH, THCS và THPT Victory) chia sẻ: “Thông qua mạng xã hội Facebook, em thấy nhiều người kêu gọi tham gia mua dưa hấu với mức giá từ 3.000 - 5.000 đồng/kg để giúp tiêu thụ bớt những sản phẩm mà nông dân chưa bán được nên em đã cùng mẹ đến siêu thị để mua dưa, mong mình có thể để góp một phần nhỏ sức lực cùng bà con tháo gỡ khó khăn trước mắt”.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.