Nông dân Ea Sar mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng
Xã Ea Sar (huyện Ea Kar) có trên 5.000 ha đất sản xuất nhưng các công trình thủy lợi chỉ bảo đảm tưới tiêu cho khoảng 100 ha cây trồng nên nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.
Trước thực tế đó, UBND xã đã tạo mọi điều kiện để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế.
Không để người dân sản xuất tự phát dẫn đến rủi ro, chính quyền địa phương đã tập trung xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi làm cơ sở khảo nghiệm, đánh giá hiệu quả trước khi tuyên truyền, nhân rộng. Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sar Văn Đình Thìn cho biết, từ năm 2016 đến nay, UBND xã đã đầu tư kinh phí, hỗ trợ xây dựng 12 mô hình trồng vải, duy trì các lớp tập huấn trồng, chăm sóc cây vải hằng năm. Những vùng đất đồi, bạc màu, xã khuyến khích người dân trồng cây keo, điều cao sản; số diện tích điều, cà phê kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng cây ăn quả…
Gia đình ông Lê Văn Minh ở thôn 8, xã Ea Sar đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm trong vườn vải rộng hơn 1,5 ha. |
Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sar Văn Đình Thìn
|
Nhờ chủ động chuyển đổi cây trồng, đến nay xã Ea Sar đã có trên 450 ha cây ăn quả các loại, trên 3.000 ha cây hoa màu, trong đó nhiều cây trồng hiệu quả như: nghệ, khoai tím, gừng, vải, nhãn, vú sữa, mít Thái, bơ booth, chanh dây, ca cao… Nhiều hộ đã vươn lên khá giả nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp.
Đơn cử như gia đình ông Lê Văn Minh ở thôn 8, trước đây có 2,7 ha đất trồng điều, cà phê đều không hiệu quả. Năm 2014, vợ chồng ông chuyển đổi sang trồng thử nghiệm 150 cây vải giống U Hồng, đến năm 2019 đã cho thu hoạch 10 tấn. Nhờ biết cách chăm sóc để vải chín sớm nên bán được giá cao, trung bình 40.000 đồng/kg. Nhận thấy hiệu quả cây vải mang lại cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác, gia đình ông đã đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm để mở rộng vườn vải lên 1,5 ha.
Cùng với việc vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chính quyền xã Ea Sar còn chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất từng mùa vụ; khuyến khích nông hộ liên kết trong sản xuất để hình thành cánh đồng mẫu lớn, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất... Bên cạnh đó, địa phương còn chú trọng thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để phát triển sản xuất hàng hóa, tìm đầu ra ổn định cho nông sản...
Lãnh đạo Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ và Thương mại Thành Đạt (xã Ea Sar) kiểm tra vườn ca cao nguyên liệu của xã viên. |
Theo đánh giá của ông Văn Đình Thìn, nhờ có hướng đi đúng, kinh tế của xã Ea Sar ngày càng phát triển. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã Ea Sar đạt 32 triệu đồng/năm, cao hơn 4 triệu đồng so với kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo còn 18,7%, giảm 6,5% so với năm 2018; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc