Siết chặt quản lý kinh doanh vật tư y tế trong "cơn bão" dịch bệnh
Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do chủng mới vi rút Corona gây ra, một số cá nhân kinh doanh trên địa bàn cố tình "găm" hàng, tăng giá bất hợp pháp các loại vật tư y tế.
Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh - đơn vị chủ công trong kiểm tra, kiểm soát thị trường - đang triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn nhằm bảo vệ người tiêu dùng trên địa bàn.
Những ngày gần đây, khẩu trang y tế là mặt hàng có sức siêu thụ lớn trên địa bàn tỉnh do nhu cầu sử dụng cao để phòng chống dịch bệnh. Chưa bao giờ, thị trường này lại sôi động như mấy ngày gần đây. Cũng chính vì "cầu" vượt "cung" nên tại các địa phương trong tỉnh, nhiều nhà thuốc cố tình đẩy giá lên cao gấp nhiều lần so với ngày thường hoặc "găm" hàng chờ giá lên. Trên thị trường mấy ngày trước, giá khẩu trang y tế bán ra nằm ở mức 110.000 - 150.000 đồng/hộp loại 50 cái thay vì chỉ từ 35.000 đến 45.000 đồng như trước đây. Thậm chí có nơi không bán nguyên hộp mà xé lẻ ra bán với giá 2.000 – 3.000 đồng/cái, nhưng rất đông khách hàng vẫn phải đứng chờ đến lượt để mua.
Trước thực tế trên, từ nhiều ngày qua Cục QLTT tỉnh đã vào cuộc, lập các tổ công tác tăng cường quản lý chặt chẽ địa bàn, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết bị y tế phòng dịch và tổ chức ký cam kết không được đầu cơ, găm hàng, tạo sự khan hiếm nhằm “thổi giá” để trục lợi. Đồng thời, kiên quyết xử lý “mạnh tay” các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng để răn đe các cá nhân kinh doanh khác.
Lực lượng chức năng kiểm tra hóa đơn chứng từ hàng hóa là vật tư y tế tại một nhà thuốc ở TP. Buôn Ma Thuột. |
TP. Buôn Ma Thuột là nơi tập trung nhiều các quầy, nhà thuốc tây lớn trên địa bàn tỉnh. Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm. Đáng chú ý là trường hợp một nhà thuốc doanh nghiệp bán khẩu trang với giá “cắt cổ”. Tại thời điểm kiểm tra, Quầy thuốc doanh nghiệp 44 (thuộc Công ty Cổ phần Dược - Vật tư y tế Đắk Lắk) bày bán 43 gói khẩu trang y tế hiệu MERIDAY (loại 10 bịch/gói) màu xanh, trắng, xám có niêm yết giá và bán theo giá niêm yết là 40.000 đồng/gói/10 cái. Được biết, sáng 2-2, Quầy thuốc này nhập về tổng cộng 45 gói khẩu trang y tế loại 10 cái/gói để bán cho người tiêu dùng với giá 4.000 đồng/cái và đã bán hết 2 gói. Trong khi giá thị trường ngày thường chỉ ở mức 35.000 - 50.000 đồng/hộp 50 cái. Cùng với đó, kiểm tra việc thực hiện mở sổ để theo dõi hoạt động mua bán thì cơ quan chức năng phát hiện Quầy thuốc này không thực hiện ghi chép hoạt động mua bán thuốc theo quy định.
Kiểm tra tại huyện Ea Kar, Cục QLTT tỉnh cũng phát hiện Nhà thuốc Ngọc Giang (Km 52, huyện Ea Kar) lợi dụng dịch bệnh, trong lúc người dân đang có nhu cầu sử dụng cao để nâng giá khẩu trang y tế bán ra từ 37.000 đồng lên 120.000 đồng/hộp (loại 50 cái). Sau khi phát hiện sự việc, Cục QLTT đã lập biên bản vi phạm hành chính và chủ nhà thuốc đã thừa nhận hành vi trên.
Khi lực lượng QLTT đến kiểm tra đột xuất Nhà thuốc Mạnh Đức (số 135 Lý Thái Tổ, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) thì nhà thuốc này không bày bán khẩu trang y tế. Nhân viên trực tiếp bán thuốc ở đây cho biết nhà thuốc đã hết mặt hàng này. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, QLTT phát hiện trong kho của nhà thuốc Mạnh Đức cất giấu 39 hộp khẩu trang hiệu LEHACO (loại 50 cái/hộp). Tại thời điểm kiểm tra quầy thuốc này không xuất trình được hóa đơn chứng từ của số hàng hóa này. Ngoài ra, nhà thuốc cũng không thực hiện ghi chép sổ để theo dõi hoạt động mua bán theo quy định. Theo Cục QLTT, rõ ràng đây là hành vi cố tình "găm" hàng, có hàng mà chưa chịu bán trong tình hình dịch bệnh để trục lợi, là hành vi không thể chấp nhận được. Cục sẽ kiên quyết xử lý mạnh tay để răn đe cho các nhà thuốc khác cố tình vi phạm và bảo vệ người tiêu dùng trên địa bàn.
Lãnh đạo Cục QLTT cho biết, để tránh gây hỗn loạn thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, "găm" hàng cố tình đẩy giá lên cao nhằm thu lợi bất chính, Cục đã và đang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ quyết liệt trong công tác thường trực chống dịch bệnh, kể cả thứ bảy, chủ nhật. Cụ thể, kiểm tra, kiên quyết xử lý mạnh tay đối với các hành vi như việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom hàng rồi bán với giá cao trong vụ dịch, khi người dân đang có nhu cầu sử dụng cao. Nhất là đối với các mặt hàng trang thiết bị y tế, khẩu trang, nước rửa tay dùng để phòng, chữa bệnh do dịch cúm Corona gây ra.
Gần 2.000 chiếc khẩu trang y tế được nhà thuốc Mạnh Đức (TP. Buôn Ma Thuột) găm hàng, không bán trong lúc người dân đang có nhu cầu cao. |
Theo Cục QLTT tỉnh, dự báo trong thời gian tới tình hình dịch bệnh do vi rút Corona gây ra vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế như mặt hàng khẩu trang, thuốc sát trùng, găng tay, thiết bị y tế để phòng bệnh dịch của người dùng tiếp tục vẫn ở mức cao, do đó Cục tiếp tục thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy và UBND tỉnh, bám sát địa bàn được phân công, tăng cường kiểm tra, xử lý quyết liệt những hành vi đầu cơ, "găm" hàng, tự tăng giá bất hợp pháp để thu lợi nhuận cao. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền đến cơ sở kinh doanh và người dân hiểu để chấp hành. Mặt khác, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, ngành Y tế để có các biện pháp hiệu quả nhằm bảo vệ tuyệt đối an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân, ứng phó kịp thời với các trường hợp khẩn cấp tại địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Cục cũng khuyến cáo, người tiêu dùng không vì hoang mang mà mua vật tư y tế với giá cao để dùng, nếu phát hiện cơ sở kinh doanh nào bán vật tư y tế giá cao, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang y tế hoặc có hàng không mà bán, đề nghị báo ngay cho cơ quan QLTT địa phương.
Từ ngày 31-1 đến 5-2, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra 170 nhà thuốc, cơ sở kinh doanh vật tư y tế. Qua đó đã xử lý 9 vụ vi phạm, phạt hành chính 88 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không niêm yết giá đối với hàng hóa là khẩu trang y tế, không thực hiện ghi chép hoạt động mua bán thuốc theo quy định, lợi dụng dịch bệnh để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Đồng thời, tổ chức ký cam kết với 156 cơ sở kinh doanh về việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh các sản phẩm dùng cho việc phòng, chữa bệnh do vi rút Corona gây ra. |
Trâm Anh
Ý kiến bạn đọc