Multimedia Đọc Báo in

Sức sống mới ở Hòa Sơn

08:18, 21/02/2020

Về xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) hôm nay dễ thấy nhiều đổi thay: những con đường phong quang, sạch đẹp; ngôi chợ xã được xây dựng khang trang; các trang trại, gia trại chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp ngày càng nhiều… Đó là những dấu ấn mà nông thôn mới (NTM) tạo nên ở Hòa Sơn.

Năm 2011, khi mới bắt tay xây dựng NTM, xã Hòa Sơn đối mặt với nhiều thách thức như: tỷ trọng kinh tế nông nghiệp của xã chiếm đến 65%; đời sống của người dân còn khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 9,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 30,8%; điều kiện cơ sở hạ tầng nông thôn còn nhiều thiếu thốn… Qua đánh giá thực trạng cho thấy xã Hòa Sơn chỉ đạt 3/19 tiêu chí.

Bà Trương Thị Bích Vân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Sơn chia sẻ: Đảng bộ xã xác định công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, phải làm cho người dân thấy rõ được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM. Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng cơ sở vật chất, người dân đều họp bàn bầu chọn, cử người tham gia vào Ban giám sát cộng đồng; các phương án, nguồn vốn và mức đóng góp được công khai minh bạch, nhờ vậy đã tạo được sự đồng thuận cao.

Trong những năm qua, xã Hòa Sơn đã huy động nguồn vốn xây dựng NTM gần 156 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 2,1 tỷ đồng, 10.416 ngày công, 8.045 m2 đất và 1.816 cây cà phê, điều... Đặc biệt, chợ thôn 8 đã được xây dựng bằng 100% nguồn vốn do các hộ tiểu thương tự nguyện đóng góp. Với sự chung sức đồng lòng, đến nay xã Hòa Sơn đã hoàn thành 16/19 tiêu chí NTM.

Những con đường liên thôn ở Hòa Sơn đã được làm xanh, sạch, đẹp.
Những con đường liên thôn ở Hòa Sơn đã được làm xanh, sạch, đẹp.

Phấn khởi trước những thành quả về xây dựng NTM của địa phương, ông Lê Nhép, Bí thư Chi bộ thôn 6 cho biết, thôn 6 hiện có 149 hộ, 682 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc Mường, dù đời sống kinh tế tuy còn khó khăn nhưng bà con luôn đồng lòng ủng hộ chủ trương xây dựng NTM. Từ năm 2017 đến nay, bà con trong thôn đã mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi bò nhốt chuồng và chăn nuôi heo theo hướng bán công nghiệp, nhờ vậy đến nay thu nhập bình quân đầu người đã tăng gấp 2 lần so với năm 2017.

Trong những năm qua, nhân dân thôn 6 đã tự nguyện hiến 850 m2 đất, đóng góp 325 triệu đồng và hàng chục ngày công cùng với nguồn vốn của Nhà nước để bê tông hóa 1.353 m đường giao thông nông thôn và xây dựng các thiết chế văn hóa… Giờ đây đường sá trong thôn phong quang sạch đẹp, bà con trong thôn ai cũng vui mừng, phấn khởi.

Chợ trung tâm xã Hòa Sơn ở thôn 2.
Chợ trung tâm xã Hòa Sơn ở thôn 2.

Hạ tầng nông thôn ngày càng được đầu tư hoàn thiện, người dân chủ động phát triển các trang trại, gia trại theo hướng phát huy lợi thế của địa phương. Hiện nay, xã Hòa Sơn có 2 khu vực chợ lồng đáp ứng nhu cầu kinh doanh, buôn bán của người dân; có 1.784 nhà ở dân cư đạt chuẩn NTM (chiếm 80% so với tổng số hộ); Trạm Y tế xã và 4/5 trường học đạt chuẩn quốc gia. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của xã giảm xuống còn 50%. Bình quân thu nhập đầu người năm 2019 là 35 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,15%

Phát huy những kết quả đạt được, xã Hòa Sơn nỗ lực phấn đấu hoàn thành 3 tiêu chí còn lại về cơ sở vật chất văn hóa; thu nhập đầu người và tỷ lệ hộ nghèo với quyết tâm về đích xã NTM đúng lộ trình vào cuối năm 2020.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.