Thận trọng với biểu hiện vàng lá trên cây có múi
Thời gian vừa qua, tình trạng cam, quýt, bưởi vàng lá xuất hiện tại huyện Ea Kar (chủ yếu là cam, quýt, bưởi) đã gây thiệt hại lớn cho nông dân vùng canh tác cây có múi.
Tình trạng vàng lá trên cây có múi được ngành Nông nghiệp huyện Ea Kar ghi nhận từ tháng 8-2019 tại địa bàn xã Cư Elang. Bệnh xuất hiện chủ yếu trên vườn cây kinh doanh (từ năm thứ 3 trở lên) với các triệu chứng: phiến lá có màu vàng, lá nhỏ hẹp, mọc thẳng đứng, khoảng cách giữa các lá ngắn; quả nhỏ hơn bình thường, sẫm màu, hình dạng méo mó và dễ bị thối; bộ rễ kém phát triển, một số bị thối, đa phần mất các rễ tơ chỉ còn lại các rễ chính.
Chỉ riêng tại xã Cư Elang đã ghi nhận khoảng 145/544 ha cây có múi nhiễm bệnh, trong đó có 25 ha nhiễm nhẹ, 85 ha nhiễm trung bình và 35 ha nhiễm nặng. Ngoài ra, tại các xã khác như Ea Ô, Ea Pal cũng có ghi nhận tình trạng trên. Những diện tích đầu tư chăm sóc kém, chịu ảnh hưởng bởi ngập úng thì cây có biểu hiện bệnh nặng hơn.
Ông Nông Công Vẹn (thôn 7A, xã Ea Ô) kiểm tra cây cam bị bệnh vàng lá. |
Tháng 11-2019, ngành Nông nghiệp huyện Ea Kar đã phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khảo sát, lấy mẫu, tìm nguyên nhân hiện tượng trên. Kết quả phân tích mẫu đất và rễ tại một số vườn cây có múi tại xã Cư Elang do Trường Đại học Tây Nguyên thực hiện cho thấy có sự hiện diện của 3 tác nhân gây bệnh chính là tuyến trùng Tylenchulus sp.; nấm Fusarium solani; độ pH hoặc hàm lượng Nitơ trong đất dưới ngưỡng phù hợp.
Bên cạnh nguyên nhân trên, theo Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Ea Kar Nguyễn Ngọc Tuấn, nhiều khả năng một số vườn cây bị bệnh vàng lá gân xanh (Greening) do vi khuẩn gây hại và đang tiếp tục đề xuất giám định mẫu cây để xác định.
Huyện Ea Kar là địa phương tiên phong việc phát triển cây có múi nhờ có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp. Các vườn cam sành, cam xoàn, quýt đường, bưởi… đều cho năng suất cao, chất lượng thơm ngon với lợi nhuận khi thu được lên đến 150 – 200 triệu đồng/ha/năm. Huyện cũng quy hoạch hai xã Cư Elang và Ea Ô là vùng trọng điểm để phát triển cây có múi. Thấy lợi nhuận cao, người dân nhiều vùng khác trong huyện cũng tự nhân rộng mô hình này khiến diện tích các loại cây có múi thuộc họ cam liên tục tăng trưởng, lên đến gần 1.000 ha vào cuối năm 2019.
Cán bộ ngành Nông nghiệp huyện Ea Kar khảo sát các vườn cây có múi bị vàng lá. |
Ông Hồ Tấn Cư, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Kar cho biết, thông thường chu kỳ khai thác của cây có múi sẽ ngắn hơn các loại cây ăn quả khác. Vì vậy, người dân nên luân phiên các loại cây trồng để giảm thiệt hại do sâu bệnh. Đối với các vườn cây đã chết hoặc nhiễm bệnh hại nặng, người dân cần thực hiện các biện pháp đào gốc, đốt cây kết hợp với khử trùng bằng vôi bột, tưới thuốc trị nấm và tuyến trùng để tiêu diệt mầm bệnh. Sau khi cải tạo đất, cần trồng một vài vụ cây ngắn ngày trước khi trồng lại các loại cây dài ngày. Ngành Nông nghiệp huyện đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương về các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên cây có múi, tăng cường dinh dưỡng cho cây trồng. Đồng thời, đề nghị các địa phương tạo điều kiện cấp xác nhận cho nông dân bị thiệt hại do sâu bệnh khi có nhu cầu khoanh nợ, giãn nợ ngân hàng, giảm áp lực về vốn tái đầu tư.
Theo khuyến cáo của Trường Đại học Tây Nguyên, khi trồng mới cây có múi, người dân nên chọn giống có khả năng chống chịu với các tác nhân gây hại từ đất, chẳng hạn như các giống: bưởi đỏ, bưởi đường, bưởi lông cổ cò… Cần đảm bảo điều kiện chống ngập úng, cân bằng độ pH, bón bổ sung hữu cơ kết hợp bổ sung các vi sinh vật như Trichoderma + Streptomyces lydicus WYEC 108 nhằm tăng khả năng đối kháng với các tác nhân gây bệnh vàng lá thối rễ. |
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc