Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh: Hướng đến mục tiêu "5 tại chỗ"
Kể từ khi đưa vào vận hành đến nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã ổn định bộ máy, tích cực hiện đại hóa hoạt động, hoàn thiện quy trình kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC).
Hiện đại hóa hoạt động, kiểm soát giải quyết TTHC
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hiện thực hiện tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ đối với 987 TTHC thuộc 15 lĩnh vực theo Quyết định số 3051/QĐ-UBND, ngày 18-10-2019 của UBND tỉnh về việc công bố danh mục thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Đắk Lắk – Đợt 1 và Quyết định số 3953/QĐ-UBND, ngày 31-12-2019 về việc công bố danh mục thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Đắk Lắk – Đợt 2.
Thống kê từ ngày 31-12-2019 đến hết ngày 22-1-2020, Trung tâm đã tiếp nhận 4.741 hồ sơ TTHC (trung bình tiếp nhận 296,31 hồ sơ/ngày), trong đó đã trả kết quả 2.095 hồ sơ; 2.646 hồ sơ chưa đến hạn trả kết quả. Ngoài ra, Trung tâm còn tiếp nhận và trả kết quả đối với một số TTHC của các sở, ban, ngành liên thông thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị (đứng giữa) tham quan cơ sở hạ tầng tại Trung tâm. |
Đánh giá về kết quả sau hơn 1 tháng đi vào hoạt động, bà Nguyễn Thị Thu An, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Từ ngày 31-12-2019, Trung tâm bắt đầu tiếp nhận và trả kết quả TTHC, đến nay đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của tổ chức, công dân. Đa phần tổ chức, cá nhân đến thực hiện TTHC đều đánh giá cao về tính hiệu quả, công khai, minh bạch, thuận tiện cho người dân không phải đi lại nhiều nơi; công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Trung tâm có thái độ lịch sự, tận tình hướng dẫn tổ chức, công dân đến thực hiện TTHC. Tính đến nay chưa có đơn, thư tố cáo, phản ánh về thái độ, chất lượng phục vụ của Trung tâm. Bên cạnh những đánh giá tích cực, Trung tâm cũng nhận được một số ý kiến chưa hài lòng về việc giải quyết TTHC lĩnh vực cấp, đổi chứng minh nhân dân của Công an tỉnh (hạn chế về số lượng tiếp nhận, giải quyết hằng ngày không đáp ứng được nhu cầu của người dân).
Bà Đoàn Thùy Phương Tuyết Hoa, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết, để nâng cao chất lượng phục vụ, kể từ khi thành lập, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm cử nhân viên hướng dẫn thông tin các quầy; chuyển phát hồ sơ tận nhà cho người dân; hỗ trợ sở, ngành luân chuyển hồ sơ nội bộ về các sở và ngược lại. Hiện tại có 8 nhân viên làm việc tại đây vừa tư vấn và hỗ trợ luân chuyển hồ sơ vào các khung thời gian 9 giờ, 11 giờ, 14 giờ, 16 giờ hằng ngày. Năm 2020, Bưu điện tỉnh sẽ tăng cường nhân lực cùng Trung tâm hướng dẫn người dân thực hiện giao dịch mức độ 3, 4, giảm bớt chi phí đi lại, nhân rộng mô hình tiếp nhận và trả hồ sơ tại huyện.
Xây dựng lộ trình “5 tại chỗ”
Để nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người dân năm 2020, bà Nguyễn Thị Thu An nhấn mạnh, việc giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp của các sở, ban, ngành sẽ được Trung tâm theo dõi chặt chẽ. Nếu hồ sơ, thủ tục bị giải quyết quá hạn thì các sở, ban, ngành trực tiếp giải quyết TTHC phải công khai xin lỗi các tổ chức, cá nhân và có văn bản giải trình với UBND tỉnh. Đây được xem là cách làm mới trong việc thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông, hướng tới nền hành chính phục vụ; chuyên môn hóa, tách hoạt động chuyên môn với nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân, thể hiện tính chuyên nghiệp trong hoạt động, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị.
Nhân viên Bưu điện tỉnh hướng dẫn người dân tra cứu trực tuyến tại Trung tâm. |
Hướng tiếp cận quan trọng phải tiến hành năm 2020, Trung tâm sẽ rà soát lĩnh vực thủ tục ít có TTHC để điều chỉnh hướng tiếp nhận hồ sơ, tránh lãng phí công chức. Sau khi ổn định bộ máy, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng phục vụ nhu cầu người dân. Đối với TTHC cấp, đổi thẻ chứng minh nhân dân, Trung tâm sẽ có phương án cùng với Công an tỉnh tiếp tục có giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin hẹn giờ giao dịch với người dân để giảm thời gian chờ đợi, quá tải trong thời điểm khi người dân có nhu cầu cao. Hiện nay, Trung tâm đang tiến hành lắp đặt các ki-ốt để người dân đánh giá mức độ hài lòng sau khi thực hiện giao dịch; tham mưu hoàn thiện, bố trí phòng thẩm định hồ sơ tại chỗ và ký đóng dấu trả kết quả ngay tại chỗ.
Tại buổi làm việc với cán bộ, công chức, nhân viên của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đề nghị Trung tâm phải có phương án kiểm soát hồ sơ lĩnh vực xây dựng cơ bản còn chậm. Năm 2020, Trung tâm phấn đấu nâng cao tỷ lệ giao dịch hồ sơ mức độ 3, 4 đạt khoảng 30%. Riêng việc cấp, đổi chứng minh nhân dân cần áp dụng dịch vụ công nghệ hẹn giờ, hạn chế sai sót dữ liệu cá nhân.
Quan điểm của tỉnh sẽ hướng đến nền hành chính “5 tại chỗ” bao gồm: Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu, trả kết quả ngay tại Trung tâm. Các TTHC trước khi đưa vào Trung tâm được rà soát, đơn giản về thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục, cắt giảm về thời gian giải quyết. Trung tâm tiếp tục xây dựng quy trình giải quyết bảo đảm rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết và được cập nhật công bố, niêm yết công khai, minh bạch. Từ đó có kế hoạch nhân rộng thành lập các trung tâm hành chính công cấp huyện; bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị nhấn mạnh.
Thanh Khuê
Ý kiến bạn đọc