Cà phê đặc sản: Tiềm năng lớn từ cà phê Robusta
Nhiều tiềm năng phát triển với hương vị mới, lạ là nhận định của các chuyên gia thử nếm về cà phê Robusta đặc sản bên thềm Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2020 được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột vào đầu tháng 3 vừa qua.
Ông Lê Trung Hưng, thành viên Ban giám khảo cuộc thi cho biết, nếu Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019 có mẫu cà phê hương vị trái cây chín mang tính đặc trưng thì năm nay cà phê Robusta xuất hiện mẫu có mùi hương bánh quy dừa. Mùi hương mới lạ này xuất hiện trong mẫu cà phê chế biến theo phương pháp tự nhiên natural thu hút sự chú ý của cộng đồng cà phê đặc sản. Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển hương vị của cà phê Robusta Việt Nam là rất lớn.
Chuyên gia Quốc tế thử nếm cà phê tại Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019. |
Một điều đáng chú ý nữa tại Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2020 vừa qua là mặt bằng chung chất lượng cà phê Robusta năm nay tốt hơn so với cà phê Arabica. Đây là điều trái ngược so với Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019.
Theo lý giải của các chuyên gia trong ngành, không chỉ mặt bằng chung của các mẫu cà phê dự thi mà qua thử nếm tại vườn của các chuyên gia cũng phát hiện hiện tượng này. Đó có thể là do hạn hán, hiện tượng thoái hóa giống, tác động của biến đổi khí hậu… đã ảnh hưởng đến chất lượng của cà phê Arabica. Đây là điều khiến người sản xuất cà phê Arabica đặc sản quan tâm, lo lắng vì cà phê Arabica có nhiều thuận lợi hơn trong sản xuất cà phê đặc sản. Arabica có phẩm cấp tốt hơn so với Robusta do chất lượng giống loài mang lại nên chỉ cần chế biến tốt là có thể đạt đủ 80 điểm để trở thành cà phê đặc sản theo thang điểm của Tổ chức Cà phê đặc sản quốc tế (Specialty Coffee Association - SCA).
Còn với Robusta, khái niệm cà phê đặc sản Việt Nam vẫn còn mới và chưa được người tiêu dùng thế giới biết đến thông qua chất lượng mang tầm đặc sản. Quá trình chế biến phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố đầu vào từ vườn cây, kỹ thuật chế biến, bảo quản… nên quá trình chế biến cà phê đặc sản từ Robusta có nhiều rủi ro hơn. Nghĩa là tỷ lệ sản phẩm cà phê đạt tiêu chuẩn đặc sản thấp hơn nhưng bù lại, tiềm năng hương vị rất lớn do đường có trong vỏ quả có thể lên men tạo độ ngọt, át vị đắng đặc trưng của giống còn quá trình lên men nếu kiểm soát tốt sẽ tạo nên hương vị riêng. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay thì hiện tượng thoái hóa giống đối với cà phê Robusta chậm hơn và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của cà phê Robusta cũng tốt hơn so với các loại cà phê khác.
Chuyên gia quốc tế thử nếm cà phê Robusta tại Vòng chung kết Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2020. |
Hiến kế cho sự phát triển cà phê Robusta đặc sản của Việt Nam, tiến sĩ Manuel Diaz, chuyên gia cao cấp của SCA nhấn mạnh, Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2020 có những mẫu cà phê Robusta tuyệt vời mang hương vị trái cây, gia vị, bạc hà… Điều đó cho thấy nông dân đã áp dụng các phương pháp chế biến mới trong sản xuất cà phê đặc sản. Tuy nhiên, lâu nay cà phê Việt Nam bị coi như cà phê thô với khối lượng lớn vì vậy Việt Nam phải vượt qua định kiến này. Cụ thể là từ những mẫu cà phê đặc sản mà sáng tạo trong cách tiếp cận thị trường, nâng cao số lượng mẫu cà phê đặc sản qua các năm, đẩy mạnh việc phổ cập, tập huấn chế biến cà phê đặc sản, tổ chức các cuộc thi về cà phê đặc sản và xây dựng hệ thống sản xuất, thương mại cà phê chất lượng cao nhằm nâng cao số lượng hợp đồng thương mại…
Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2020 có 56 mẫu cà phê (33 mẫu cà phê Robusta, 23 mẫu cà phê Arabica) của 36 đơn vị trên cả nước tham gia dự thi. Kết quả chung cuộc có 38 mẫu cà phê đạt tiêu chuẩn đặc sản, trong đó 20 mẫu là cà phê Robusta, 18 mẫu cà phê Arabica. |
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc