Multimedia Đọc Báo in

Chọn giống nào để sản xuất cà phê đặc sản?

10:36, 20/03/2020

Việt Nam là một trong những quốc gia có năng suất, sản lượng cà phê Robusta lớn, cũng như các giống cà phê có năng suất cao, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc lựa chọn giống nào để sản xuất cà phê đặc sản hay cà phê khác biệt vẫn đang là câu hỏi chưa có lời giải rõ ràng.

Với cách sản xuất cà phê truyền thống, Việt Nam hiện đã có những mẫu cà phê đạt chuẩn đặc sản. Theo đánh giá của một số chuyên gia, hiện tại có một số giống cà phê được người tiêu dùng đánh giá cao như cà phê sẻ (thuộc bộ giống cũ, có hạt nhỏ hơn các loại cà phê khác), TR9, TRS1... (của Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên).

Các học viên tham gia lớp tập huấn về chế biến cà phê đặc sản tại thị xã Buôn Hồ đầu năm 2020.
Các học viên tham gia lớp tập huấn về chế biến cà phê đặc sản tại thị xã Buôn Hồ đầu năm 2020.

Khảo sát tiềm năng cà phê đặc sản niên vụ 2016 - 2017, 2017 - 2018 thông qua thử nếm cà phê khô chế biến thông thường cho thấy 15/122 mẫu cà phê đạt tiêu chuẩn đặc sản. Niên vụ 2018 - 2019 có 25/44 mẫu cà phê được các chuyên gia thử nếm quốc tế công nhận đạt chuẩn đặc sản của Tổ chức Cà phê đặc sản quốc tế (Specialty Coffee Association - SCA) tại Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2019. Niên vụ 2019 - 2020 có 38/56 mẫu cà phê đạt tiêu chuẩn đặc sản…

Tiến sĩ Manuel Diaz, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Cà phê đặc sản quốc tế (Specialty Coffee Association-SCA) cho rằng, muốn hướng đến sự thay đổi mang tính cấu trúc thì trước tiên phải thay đổi về mặt di truyền giống.

Điều đó cho thấy, trong bộ giống cà phê cũ và mới đang được trồng tại Việt Nam vẫn có những giống cà phê có tiềm năng sản xuất cà phê đặc sản. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đánh giá từ phía người sản xuất và người tiêu dùng chứ chưa có công trình nghiên cứu khoa học cụ thể nào về sản xuất giống cà phê đặc sản. Trong khi đó, cây cà phê cần ít nhất ba năm kiến thiết cơ bản và hai năm cho thu hoạch ổn định mới đánh giá được chất lượng.

Vườn cà phê cảnh quan bền vững của nông dân huyện Krông Năng.
Vườn cà phê cảnh quan bền vững của nông dân huyện Krông Năng.

Trên thế giới, việc sản xuất cà phê đặc sản được định hình từ bộ giống đến vùng trồng, quy trình chế biến… đòi hỏi một quá trình lâu dài. Thị trường cà phê đặc sản không còn mới, nhưng sản xuất cà phê đặc sản tại Việt Nam vẫn mới ở dạng "phôi thai". Do đó cần sớm đưa cà phê đặc sản vào chiến lược phát triển cà phê trong tương lai, đồng thời xây dựng chính sách phát triển toàn diện và dài hạn, chú trọng đến người sản xuất nguyên liệu thông qua nghiên cứu bộ giống và vùng trồng thuận lợi cho sản xuất cà phê đặc sản.

Từ nền tảng giống chất lượng, nhà khoa học, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân sẽ có sự kết nối tạo dựng thương hiệu, khai thác tiềm năng sẵn có về đất đai, khí hậu, sự khác biệt... tại các vùng sản xuất cà phê như Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên để xây dựng chuỗi khối trong ngành hàng. Khi thiết lập được mối quan hệ này, các vấn đề khác trong chế biến, tiêu thụ, quảng bá sẽ có nền móng để phát triển…

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.