Đậm đà vị cà phê nguyên chất
Mặc dũ đã có nhiều máy móc hiện đại hỗ trợ việc chế biến cà phê, nhưng nhiều người vẫn giữ cách rang xay, pha cà phê truyền thống khá hấp dẫn.
Anh Y Pôt Niê (buôn Kala, xã Dray Sap, huyện Krông Ana) tự chế biến cà phê bột theo phương pháp truyền thống, bước đầu khá thành công với thương hiệu Ê Đê Café. Theo anh Y Pốt, để cà phê có vị ngon, thơm đặc trưng cần phải sơ chế thật sạch trước khi đem rang và phải thật thận trọng trong khâu rang xay. Thay vì sử dụng máy rang công nghiệp, anh và gia đình vẫn chọn cách rang truyền thống là sử dụng củi để tạo nhiệt và rang trên chảo gang nóng. Người đầu bếp rang xay không chỉ cần có sức khỏe để đảo cà phê liên tục tránh bị cháy mà còn cần có sự tinh nhạy để chỉnh độ to nhỏ của lửa phù hợp, giúp cà phê rang đạt được độ chín, thơm lừng mùi vị đặc trưng.
Cũng như Y Pôt, bà con trong buôn Kala không cho thêm bất kỳ một chất phụ gia nào vào cà phê rang xay, vì theo họ, tự hạt cà phê đã hấp thụ tinh hoa của trời đất mà phát triển, chỉ cần rang chín theo đúng cách truyền thống, để nguội rồi cho vào cối giã mịn và pha lên thưởng thức.
Cà phê đã rang chín được giã bằng cối cho mịn thay vì xay bằng máy. |
Nói về cách pha cà phê, dù hiện nay có rất nhiều cách pha chế dễ dàng và nhanh chóng như pha phin, pha máy, cà phê pha sẵn... nhưng người dân trong các buôn làng vẫn chuộng cà phê pha vợt nhất. Đó không chỉ là truyền thống được kế thừa từ bao đời, mà còn là cách để họ giữ lại trọn vẹn sự tinh túy của những hạt cà phê. Ai thích uống đậm có thể dùng ngay lượt pha đầu tiên, còn người uống nhạt có thể dùng nước pha thứ hai, thứ ba. Ngay cả những quán cà phê lâu đời ở các thành phố lớn trong cả nước vẫn chọn cách pha cà phê bằng vợt (hay còn gọi là cà phê vợt) để phục vụ khách hàng, vì lượng khách chọn sử dụng phương pháp pha chế này không phải là ít.
Cũng là pha cà phê bằng phương pháp truyền thống, nhưng cà phê pha vợt công phu và có phần khó hơn cà phê pha phin. Bởi, cà phê vợt phải cân đo đong đếm từng lượng nước cũng như thời gian thật chính xác; người pha tay phải nắm chắc vợt, khéo léo để nước sôi cũng như bột cà phê không bị hắt ra ngoài. Theo những người sành pha cà phê vợt thì cách pha này phụ thuộc vào độ nóng của nước, nước chỉ nóng khoảng 95 - 97 độ C; cà phê phải nguyên chất, không pha trộn thêm bất cứ thứ gì. Cà phê sau khi pha sẽ được để trong siêu đất và “sang ấm”, cứ 3 phút lại sang ấm 1 lần, mỗi lần pha sẽ sang ấm 3 lần để cà phê được đậm vị, không bị vón cục, bao nhiêu tinh túy từ bột cà phê sẽ được chiết ra.
Pha cà phê vợt tại Bảo tàng thế giới cà phê. |
Cà phê pha vợt mỗi quán một vị riêng, tựa như nấu ăn, gia giảm khác nhau; thậm chí chủ quán còn biết gu của khách mà chiều theo. Ở triển lãm “Nghệ thuật thưởng lãm cà phê” được tổ chức tại Bảo tàng thế giới cà phê (TP. Buôn Ma Thuột) vào tháng 10-2019 cũng đã có màn trình diễn cà phê vợt thú vị, hấp dẫn nhiều người xem. Trong không gian và thời gian hiện đại, những ký ức về cách pha chế cà phê truyền thống bằng vợt mang đến cho người xem nhiều cảm xúc. Không những vậy, sự tỉ mỉ trong cách pha chế cho thấy giá trị của cà phê.
Giữa muôn vàn những điều mới mẻ của cuộc sống hiện đại thì những giá trị truyền thống vẫn được lưu giữ và trân trọng; giống như cách rang xay, pha chế nói trên sẽ giúp cho việc thưởng thức cà phê trở nên hấp dẫn và thú vị hơn.
Ánh Ngọc
Ý kiến bạn đọc