Multimedia Đọc Báo in

"Đỏ mắt" tìm thợ may khẩu trang mùa dịch

09:05, 09/03/2020

Nắm bắt nhu cầu sử dụng khẩu trang ngày càng lớn do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19, các cơ sở may khẩu trang vải trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh sản xuất mặt hàng này. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở đều rất khó tìm thợ gia công may khẩu trang.

Bắt đầu từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, do nhu cầu sử dụng lớn, các cơ sở may khẩu trang trên địa bàn tỉnh tăng số lượng sản xuất lên nhiều so với thời gian trước.

Qua tìm hiểu tại cơ sở của gia đình chị Đỗ Thị Huệ (thôn 4, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) làm nghề may khẩu trang từ 10 năm nay cho thấy, chưa có năm nào mặt hàng này bán chạy như vừa qua. Chị Huệ cho biết, những năm trước, với khoảng 8 thợ may thường xuyên, mỗi ngày cơ sở của gia đình chị sản xuất ra khoảng 1.000 chiếc khẩu trang vải, hầu như số lượng này ổn định từ năm này qua năm khác. Song từ thời điểm sau Tết Nguyên đán Canh Tý, các mối sỉ ở TP. Hồ Chí Minh đặt hàng nhiều, số lượng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba, cơ sở đã gia tăng sản xuất nhưng không đủ hàng để cung cấp. Hơn một tháng nay, cơ sở của chị Huệ liên tục đăng thông tin tuyển dụng thợ may gia công khẩu trang nhưng không tìm ra.

Trước đó, cơ sở của gia đình chị đã mua 1 máy dập vải để đáp ứng nhu cầu khẩu trang hằng ngày, nhưng do không tìm ra thợ may nên trung bình mỗi ngày nhiều nhất chỉ có khoảng 2.000 sản phẩm được hoàn thiện. Chị Trần Thị Hồng (thôn 4, xã Hòa Khánh, là nhân công làm tại cơ sở nhà chị Huệ 5 năm nay) cho hay, công việc hằng ngày của chị tại cơ sở chủ yếu là xếp vải để chị Huệ dập. Tuy nhiên, khi nhu cầu sử dụng khẩu trang lớn, ngoài công việc đó, mỗi tối chị tranh thủ may khẩu trang để tăng thêm thu nhập. Với một thợ lành nghề như chị, trung bình mỗi ngày cũng chỉ may được khoảng 200 chiếc khẩu trang. Do đó, để cho ra từ 3.000 đến 4.000 chiếc/ngày cần một số lượng thợ khá lớn, song việc tìm kiếm thợ may hiện rất khó.

Chị Đỗ  Thị Huệ  (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) cắt  khẩu trang tại cơ sở may của  gia đình.
Chị Đỗ Thị Huệ (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) cắt khẩu trang tại cơ sở may của gia đình.

Tương tự, tại cơ sở may khẩu trang của gia đình chị Trương Vũ Kiều Loan (thôn 4, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) mỗi ngày máy dập được khoảng 2.000 chiếc, song do không tuyển được thợ may nên chỉ may được từ 1.000 đến 1.500 sản phẩm.

Chị Loan cho biết, trước đây cơ sở chủ yếu có lượng khách hàng ổn định ở thị trường TP. Hồ Chí Minh, từ sau Tết thêm các mối hàng trong tỉnh. Nhu cầu lớn, cơ sở của gia đình chị cũng muốn gia tăng sản xuất song không thể tìm ra thợ may gia công. Do thiếu thợ may gia công, thay vì sản xuất số lượng lớn, cơ sở chú trọng vào việc may theo yêu cầu của bạn hàng. Theo đó, tùy vào từng trường hợp cụ thể (chủ yếu các tổ chức, cơ quan, đơn vị) yêu cầu về kiểu khẩu trang, đặc biệt chất liệu vải cũng được lựa chọn và cắt may theo đơn đặt hàng.

Cơ sở may của hộ anh Trần Văn Quỳnh (tổ dân phố 9, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) cũng liên tục đăng thông tin tuyển thợ may gia công khẩu trang hơn một tháng nay, nhưng vẫn chưa thể tìm ra. Được biết, cơ sở của gia đình anh bắt đầu sản xuất khẩu trang vải từ năm 2012, với công suất mỗi ngày cho ra từ 1.000 đến 2.000 chiếc, chủ yếu bán ở thị trường trong tỉnh. Từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý, các mối hàng tại TP. Hồ Chí Minh có liên hệ với anh đặt mua số lượng khẩu trang lớn nên gia đình đăng thông tin tuyển thợ may từ nhiều kênh: dán thông tin tại cơ sở, nhờ người thân, bạn bè giới thiệu… với số lượng từ 10 người trở lên.

Anh Quỳnh cho hay, nghề may gia công mặt hàng khẩu trang không đòi hỏi tay nghề cao, nhưng buộc người làm phải kiên trì. Thực tế, mỗi một chiếc hoàn thiện, thợ gia công được trả từ 500 đến 600 đồng. Nếu một thợ may giỏi mỗi ngày may được 200 chiếc thì thu nhập chỉ được tầm 100 đến 120 nghìn đồng nên nhiều người không mặn mà. Trước nhu cầu lớn, cơ sở của anh đã tăng tiền công đối với người làm, song vẫn phải “đỏ mắt” tìm thợ may.

Chị Trương Vũ Kiều Loan (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) đóng vải đã cắt gửi đi cho thợ may gia  công.
Chị Trương Vũ Kiều Loan (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) đóng vải đã cắt gửi đi cho thợ may gia công.

Theo các chủ cơ sở may khẩu trang trên địa bàn tỉnh, từ nhiều năm nay, mặt hàng này luôn có thị  trường ổn định, do đó số lượng sản xuất hầu như không có biến động. Tuy nhiên, đầu năm 2020, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khẩu trang y tế cháy hàng nên khẩu trang vải là lựa chọn để mọi người phòng dịch.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.