Đổi mới tư duy và hành động để bắt kịp 4.0
Kể từ khi Nghị quyết số 52/NQ-TW của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 được ban hành, Đắk Lắk đã tích cực xây dựng chương trình hành động, lựa chọn lĩnh vực trọng tâm để có thể tận dụng các cơ hội mà cuộc CMCN lần thứ 4 mang lại nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển nhanh, bền vững dựa trên khoa học công nghệ và sáng tạo.
Những bước khởi động nền tảng
Theo đánh giá của UBND tỉnh, các sở, ngành đã phối hợp với địa phương tổ chức rà soát, đề xuất xây dựng và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với xu thế phát triển cuộc CMCN lần thứ 4. Lĩnh vực nông nghiệp đã bước đầu bắt nhịp với việc tiếp cận sản xuất nông nghiệp thông minh dựa trên thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano…
Nông dân trên địa bàn tỉnh đang dần thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang hiện đại, bước đầu xác lập tính chủ động tiếp cận công nghệ mới. Từ đó, các mô hình nông nghiệp 4.0 được đưa vào triển khai như: sản xuất nông nghiệp ứng dụng thiết bị cảm biến nhằm số hóa các yếu tố như nước, phân bón, thuốc, nhiệt độ; máng ăn, uống tự động trong chăn nuôi ….
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường thăm nhà điều hành của Khu công nghiệp Hòa Phú. |
Hiện nay, trong cơ cấu kinh tế Đắk Lắk luôn xác định vai trò quan trọng của việc xây dựng và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2514/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án rà soát, điều chỉnh, bổ sung nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020. Trong thời gian qua, toàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực đầu tư, nghiên cứu, thí điểm một số mô hình sản xuất giống cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt, an toàn thực phẩm. Một số địa phương đã thực hiện mô hình rau sạch trong nhà lưới, đồng thời trồng thử nghiệm một số giống cây trồng mới như mô hình dưa lưới Nhật Bản, trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao, nhà phơi nông sản màng plastic…
Trên cơ sở chính sách ban hành bước đầu đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, chăn nuôi an toàn sinh học, chuyển dần chăn nuôi nông hộ, gia trại sang chăn nuôi công nghiệp trang trại quy mô lớn, công nghệ cao như: chăn nuôi công nghệ trong nhà máy lạnh; thụ tinh nhân tạo cải tiến công nghệ sinh sản; thụ tinh nhân tạo cho bò kết hợp công nghệ gen trong chọn, tạo các giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 500 trang trại chăn nuôi trang bị, sử dụng máy móc phục vụ chăn nuôi; tuy nhiên việc áp dụng công nghệ thông tin, các trang bị và công nghệ tiên tiến toàn diện chưa thực hiện do chi phí lớn. Nhiều địa phương (huyện M'Đrắk, Cư M'gar...) đã đề xuất xây dựng khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Ngành Thông tin và Truyền thông với phương châm phải đi trước một bước tạo nền tảng cho những khởi tạo mới đáp ứng xu thế 4.0. Thống kê năm 2019 của Sở Thông tin và Truyền thông cho thấy, có 84 cơ quan, đơn vị sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh; trong đó có 44.016 tài khoản thư điện tử công vụ sử dụng trao đổi trong công việc; cấp 2.159 chữ ký số cho tổ chức, cá nhân; tạo lập, phân quyền cho 4.562 tài khoản người dùng trên hệ thống, hiện có trên 4.000 cán bộ, công chức thường xuyên đăng nhập, sử dụng để tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trên hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa liên thông. Hiện tại có 2.086 tài khoản đăng ký của người dân và doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên hệ thống iGate.
Thay đổi nhận thức để bắt kịp xu thế
Cuối năm 2019, tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương, chia sẻ về những lộ trình tiếp cận CMCN 4.0 trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho rằng: Nghị quyết 52/NQ-TW đã tạo nền tảng thuận lợi cho các địa phương triển khai tiếp cận bằng phương thức đặc thù. Đối với Đắk Lắk sẽ ưu tiên khắc phục một số khó khăn trong hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số, nâng cao nhận thức đồng bộ trong hệ thống chính trị phải thống nhất sẵn sàng cho 4.0.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh: Chúng ta nói về CMCN lần thứ 4 rất nhiều, nhưng điều cần nhất là xóa bỏ sự hiện hữu cách tư duy 0.4 trong tiếp cận, triển khai quản lý CMCN 4.0. |
Trước mắt, tỉnh sẽ lựa chọn bước đi nền tảng gồm: Chính phủ điện tử; liên thông nhận văn bản; triển khai hiệu quả Đề án đô thị thông minh; thí điểm Trung tâm điều hành thông minh gồm 9 phân hệ, du lịch thông minh. Mục tiêu tổng quát của tỉnh hướng đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt kinh tế số đóng góp khoảng 30% GDP. Hướng đến năm 2030 mọi người dân sẽ được truy cập băng thông rộng. Đắk Lắk sẽ bắt nhịp chuyển đổi Chính phủ điện tử sang Chính phủ số, là trung tâm sản xuất phần mềm.
Nền tảng của CMCN lần thứ 4 chính là khi con người có thể số hóa được gần như tất cả mọi thứ. Chiến lược này được xây dựng dựa trên ba nền tảng chính là: Đổi mới hoàn thiện thể chế kinh tế; phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu lớn bao gồm hạ tầng kỹ thuật số, kết nối Internet tốc độ cao, xây dựng chia sẻ cơ sở dữ liệu; phát triển nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng. Khi cuộc CMCN lần thứ 4 diễn ra, tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ, nó tạo cơ hội cho các đổi mới sáng tạo. Cùng với các tỉnh Tây Nguyên, Đắk Lắk có nhiều lợi thế, tiềm năng và cơ hội bứt phá, nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận.
Thời gian tới, tỉnh sẽ hoàn thiện thể chế dành cho doanh nghiệp, phát triển dịch vụ kinh tế trên nền tảng Internet, không gian mạng, xây dựng cơ chế phù hợp với kinh tế số. Cơ sở giáo dục phải là chủ thể nghiên cứu đề xuất nền tảng tiếp cận 4.0 cho tỉnh. Lựa chọn ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư khi hội tụ yếu tố sẵn sàng hội nhập và áp dụng chính sách đặc biệt cho các địa phương chủ động làm thí điểm.
Kim Bảo
Ý kiến bạn đọc