Huyện M'Đrắk: Khuyến khích nông dân ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, từ đầu năm 2019, huyện M’Đrắk đã triển khai lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho 32 hộ dân ở các xã Ea Pil, Ea Lai, Cư Prao từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua một thời gian sử dụng, hệ thống tưới nước tiết kiệm bước đầu đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, được nhiều người dân trên địa bàn huyện tìm hiểu ứng dụng.
Gia đình bà Trần Thị Nụ (thôn 4, xã Ea Pil) là một trong những hộ được đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt trị giá trên 13 triệu đồng cho diện tích 5 sào nhãn Hương Chi. Trước đây gia đình bà thường mất 2 công lao động và một ngày mới tưới hết được 5 sào nhãn; từ khi sử dụng hệ thống nước tưới tự động, gia đình bà chỉ cần hơn 1 giờ đồng hồ là tưới xong cho cả vườn nhãn. Bên cạnh đó, hệ thống tưới này còn giúp sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả hơn bằng cách đưa phân, thuốc vào đường ống, từ đó phân và thuốc sẽ theo ống nước đến tận các gốc cây trồng. Biện pháp bón phân này giúp tiết kiệm được từ 20 - 30% lượng phân bón so với bón phân theo kiểu truyền thống.
Gia đình ông Phạm Công Hòa (thôn 10, xã Ea Pil) áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm trong vườn nhãn. |
Gia đình ông Nguyễn Danh Sơn (thôn 5, xã Ea Lai) cũng là 1 trong 8 hộ nông dân trong xã được hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó, gia đình ông được hỗ trợ toàn bộ hệ thống, các vật tư, phụ kiện như: ống nước, béc tưới, van khóa với tổng trị giá trên 10 triệu đồng, gia đình chỉ cần bỏ ra chi phí lắp đặt để hoàn thiện hệ thống. Từ khi có hệ thống tưới nước tiết kiệm, gia đình ông Sơn đã giảm được rất nhiều thời gian, nhân công cũng như chi phí tưới nước cho vườn nhãn Hương Chi đang trong thời kỳ phát triển.
Năm 2018, gia đình ông Phạm Công Hòa (thôn 10, xã Ea Pil) chuyển đổi hơn 1 ha đất trồng mía, sắn sang trồng cây nhãn và vải. Do diện tích rộng, lại khó lấy nước nên khi biết đến mô hình tưới nước tiết kiệm, ông đã mạnh dạn đầu tư hệ thống béc tưới tự động với thiết kế ống nước được dẫn qua các gốc cây, mỗi gốc cây được lắp một van phun nước tự động. Chỉ mất vài phút điều chỉnh các van chính, nguồn nước đã được đưa đến từng khu vực. Ông Hòa cho biết, nếu bảo quản tốt, hệ thống đường ống, van xả nước có thể sử dụng từ 3 - 4 năm.
Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện M’Đrắk cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 150 ha cây trồng được đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm, chủ yếu ở một số địa phương trồng cây ăn trái như Ea Pil, Cư Prao, Ea Lai… Với ưu điểm chi phí đầu tư thấp (chỉ từ 3,5 - 5 triệu đồng/sào), hệ thống này có thể tiết kiệm được từ 40 - 50% lượng nước tưới, giảm được 30% nhân công lao động, giúp nông dân giảm được chi phí sản xuất, đồng thời chủ động được nguồn nước đặc biệt là trong những tháng khô hạn. Để giúp người dân tiếp cận với những mô hình mới, ngành Nông nghiệp huyện đang tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham khảo, tìm hiểu ứng dụng mô hình hệ thống tưới nước tiết kiệm vào thực tế sản xuất của gia đình, đồng thời mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, góp phần xóa đói giảm nghèo nâng cao thu nhập.
Thúy Diệp
Ý kiến bạn đọc