Multimedia Đọc Báo in

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị: Kỳ vọng đột phá cho năng lượng tái tạo

09:14, 16/03/2020

Ngày 11-2-2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 55).

Chủ trương này được kỳ vọng sẽ tạo nhiều đột phá trong phát triển năng lượng sạch, nhất là ở địa bàn có nhiều tiềm năng về lĩnh vực này như Đắk Lắk.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất của Nghị quyết 55 là Bộ Chính trị khẳng định ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch.

Cụ thể, điện gió và điện mặt trời được ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý; khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước; đồng thời, xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió.

Cánh đồng điện gió được xây dựng trên đồi Đliê Yang, huyện Ea H'leo.  Ảnh: HBRE
Cánh đồng điện gió được xây dựng trên đồi Đliê Yang, huyện Ea H'leo. Ảnh: HBRE

Có thể thấy, Nghị quyết 55 sẽ tạo động lực lớn thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai. Đối với Đắk Lắk, điều này càng có ý nghĩa hơn, bởi địa phương được đánh giá sẽ là trung tâm năng lượng tái tạo vùng Tây Nguyên. Cụ thể, tỉnh nằm trong khu vực có tiềm năng ứng với lượng bức xạ mặt trời trung bình hơn 1.750 kWh/m2/năm (trung bình khoảng 5 kWh/m2/ngày), có thể phát triển điện mặt trời đạt công suất 80 GWp, riêng các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo... có bức xạ cao hơn mức bình quân của tỉnh. Quỹ đất tại các địa phương này còn khoảng 30.000 ha có thể sử dụng để xây dựng các nhà máy điện mặt trời. Đây là những vùng đất cằn, năng suất thấp nên việc giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất cho các dự án tương đối thuận lợi. Theo Sở Công thương, tiềm năng phát triển điện mặt trời đến năm 2025 có thể đạt công suất khoảng 4.000 MWp.

Cùng với năng lượng mặt trời, Đắk Lắk còn có nhiều tiềm năng để phát triển điện gió. Những khu vực có tiềm năng phát triển điện gió thuộc các huyện Ea H’leo, Krông Búk, Krông Năng, Cư M’gar và thị xã Buôn Hồ. Bên cạnh đó, địa phương cũng có tiềm năng lớn về điện sinh khối với nguồn nguyên liệu từ bã mía, sắn, ngô sản lượng hơn 10,5 triệu tấn/năm.

Những năm gần đây, Đắk Lắk là điểm đến được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao trong lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Hiện UBND tỉnh phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư 10 dự án điện mặt trời, tổng vốn đầu tư hơn 15.500 tỷ đồng, trong đó có 5 dự án đã hoàn thành và đưa vào vận hành phát điện, tổng vốn đầu tư 4.938 tỷ đồng; 5 dự án đang triển khai thủ tục đầu tư, tổng vốn đầu tư 10.585 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 30 nhà đầu tư được UBND tỉnh đồng ý chủ trương khảo sát, lập dự án điện gió, trong đó 24 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực, với tổng công suất 2.556 MW. Đối với điện sinh khối, 10 dự án đã được đưa vào quy hoạch, tổng công suất 112,5 MW theo nhiều loại công nghệ khác nhau từ lò đốt, lò hơi tuần hoàn, lên men sinh học kỵ khí đến công nghệ đồng phát điện.

Hệ thống pin năng lượng tại Dự án điện mặt trời BMT, huyện Krông Pắc.
Hệ thống pin năng lượng tại Dự án điện mặt trời BMT, huyện Krông Pắc.

Theo Sở Công thương, tại Nghị quyết 55, Bộ Chính trị có chủ trương sẽ hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế, trong đó, tỉnh Đắk Lắk hứa hẹn sẽ trở thành một vùng công nghiệp năng lượng tái tạo sôi động. Về phía tỉnh sẽ có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp có thể triển khai các dự án một cách sớm nhất và hiệu quả.

Phần lớn các dự án năng lương tái tạo ở Đắk Lắk nói riêng cũng như cả nước nói chung đều do các doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư. Do đó, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa đầu tư lưới điện; tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch, xóa bỏ mọi rào cản để thu hút đầu tư các dự án phát triển năng lượng, trong đó đặc biệt chú trọng những dự án phát điện.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.