Người chăn nuôi huyện Lắk dè dặt tái đàn heo sau dịch
Thời gian qua, tình hình dịch tả heo châu Phi trên địa bàn huyện Lắk đã được kiểm soát, nông hộ đủ điều kiện để tái đàn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phần vì khan hiếm giống, phần vì lo sợ rủi ro cao nên người chăn nuôi tại địa phương vẫn dè dặt trong việc đưa heo về tái đàn.
Đầu tháng 7-2019, huyện Lắk xuất hiện ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên. Tính đến hết năm 2019, dịch bệnh xảy ra tại 271 hộ, 58 thôn, buôn, tổ dân phố thuộc 10/11 xã, thị trấn của huyện, với tổng số heo mắc bệnh 2.752 con, trọng lượng tiêu hủy hơn 190.600 kg. UBND huyện cũng đã trích ngân sách dự phòng phân bổ cho các địa phương có dịch tả heo châu Phi xảy ra với số tiền hơn 5,6 tỷ đồng theo quy định của Chính phủ về hỗ trợ người dân có heo bị mắc bệnh, phải tiêu hủy. Mặc dù đã nhận kinh phí hỗ trợ từ cuối năm ngoái, công tác xử lý chuồng trại cũng được bà con thực hiện, song số hộ tái đàn rất thấp.
Anh Trịnh Trung Kiên kiểm tra thức ăn cho heo mới nhập về chuồng của gia đình. |
Gia đình anh Trịnh Trung Kiên (thôn Ngã Ba, xã Đắk Liêng) có 16 heo nái và hơn 40 con heo thịt bị tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi. Sau khi thực hiện tiêu hủy số heo mắc bệnh vào đầu tháng 10-2019, đến cuối tháng 2-2020 anh mới dám nhập heo về để tái đàn. Tuy nhiên, do thua lỗ từ năm trước, cùng với tâm lý lo sợ dịch bệnh, vợ chồng anh không dám đưa heo về nhiều.
Cùng với đó, hiện nay giá heo giống rất cao, tầm 10 triệu đồng/con heo nái, heo con giá khoảng 2 triệu đồng/con nên gia đình không dám đầu tư nhiều. Được biết, cuối năm 2019, gia đình anh Kiên được hỗ trợ 200 triệu đồng thiệt hại do dịch tả heo châu Phi. Số tiền này chỉ đủ mua 20 con heo nái giống theo giá thời điểm hiện tại. Anh Kiên cho biết, trước đây với diện tích 200 m2, lúc nào chuồng của gia đình cũng có khoảng 20 con nái và hơn 100 heo thịt. Tuy nhiên, sau khi bị dịch tả heo, gia đình mới chỉ dám tái đàn bằng 1/3 số lượng so với năng lực chuồng trại. Hiện tại, để an toàn anh chỉ dám đưa về 16 con heo nái và 35 heo con để chăn nuôi cầm chừng.
Tương tự, tại hộ chị Phạm Thị Ngọc Hà (thôn Ngã Ba, xã Đắk Liêng), với diện tích chuồng trại trên 500 m2, thời điểm kín chuồng, gia đình chị có tới 40 con heo nái và khoảng 500 con heo con, heo thịt. Tháng 11-2019 gần 200 con heo của gia đình bị dịch tả, buộc phải tiêu hủy với tổng trọng lượng gần 14 tấn, thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng. Cuối năm 2019, gia đình được hỗ trợ 520 triệu đồng, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể tái đàn. Bởi hiện nay giá heo giống rất cao, nếu đầu tư vào nhiều, rủi ro sẽ rất lớn. Cùng với đó, nguồn cung khan hiếm nên dù gia đình đã liên hệ với các công ty, đơn vị cung ứng heo giống để nhập heo về nhưng đều không có. Hiện tại gia đình chỉ nuôi 3 đến 5 con heo mua về vỗ béo, mổ thịt bán lẻ tại địa phương.
Chị Phạm Thị Ngọc Hà kiểm tra chuồng trại. |
Ông Nguyễn Văn Truyền, Phó trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Lắk cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng 5 hộ chăn nuôi với quy mô lớn, với 60 - 70 heo nái, tầm 300 đến 500 heo thịt, còn lại chăn nuôi nhỏ lẻ. Năm 2019, dịch tả heo châu Phi xảy ra ở hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Đến nay dù tình hình dịch được kiểm soát, nhưng do tâm lý lo sợ rủi ro, hầu hết nông hộ chưa sẵn sàng tái đàn, hoặc tái đàn với số lượng ít ỏi. Trạm cũng khuyến cáo bà con không nên đầu tư ồ ạt, khi mua giống cần tìm đến cơ sở uy tín, nguồn giống chất lượng, đồng thời khuyến khích người dân cần thực hiện nghiêm ngặt các quy định về xử lý, vệ sinh chuồng trại trước khi tái đàn để bảo đảm không còn mầm mống các loại dịch bệnh gây ảnh hưởng cho đàn heo.
Tính đến ngày 20-2-2020, huyện Lắk đã qua 30 ngày không tái phát dịch tả heo châu Phi. Việc tái đàn đã và đang được cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương các cấp tuyên truyền, phổ biến để người chăn nuôi biết thực hiện. Trong đó, đối với những cơ sở chăn nuôi quy mô lớn bắt buộc phải kê khai với địa phương trước khi thực hiện tái đàn heo. |
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc