Multimedia Đọc Báo in

Người dân xã Ea Sin lao đao vì hạn

09:30, 17/03/2020

Gần một tháng nay, nguồn nước trên địa bàn xã Ea Sin (huyện Krông Búk) khô cạn khiến nhiều diện tích cây trồng có nguy cơ chết khô, người dân lao đao vì thiếu nước sinh hoạt.

Gia đình ông Y Blơ Niê (ở buôn Ea Kring) trồng 1,5 ha cà phê xen điều. Nắng nóng kéo dài những ngày qua khiến vườn cà phê của gia đình ông  đang trong giai đoạn trổ bông, đậu trái bị vàng lá, khô héo.

Ông Y Blơ thở dài: "Lâu nay, gia đình tôi vẫn bơm nước từ suối, hồ về tưới cho vườn cây nhưng hiện nay các hồ thủy lợi, sông, suối ở xã đều đã cạn trơ đáy. Gia đình tôi đã vay mượn hơn 30 triệu đồng khoan giếng sâu 120 m để  tìm nguồn nước tưới, nhưng chỉ tưới được ba ngày giếng lại cạn nước".

Vườn cà phê  của gia đình  ông Y Blơ Niê  bị vàng úa  do thiếu  nước tưới.
Vườn cà phê của gia đình ông Y Blơ Niê bị vàng úa do thiếu nước tưới.

Chung cảnh ngộ, 3,2 ha cà phê của gia đình ông Trần Quang Khải (buôn Ea Kring) đang héo hon, chậm phát triển vì thiếu nước. Để cứu cây trồng, ông Khải đã thuê thợ khoan 14 giếng nước trong vườn với tổng chi phí trên 300 triệu đồng. Tuy nhiên, do nắng hạn kéo dài, nguồn nước ngầm giảm mạnh nên dù có 14 giếng khoan nhưng trong đợt tưới lần hai gia đình ông Khải vẫn không đủ nước tưới. Ông Khải buồn rầu: “Đây là thời điểm cây cà phê ra hoa, kết trái nên việc cung cấp nước cho cây là rất cần thiết. Nếu một tháng nữa vẫn không có mưa thì tôi đành “phó mặc” cho trời!".

 
“Nếu tình trạng khô hạn kéo dài khoảng một tháng nữa thì hơn 60% diện tích cà phê và các cây trồng lâu năm khác trên địa bàn xã sẽ bị ảnh hưởng nặng, nhiều diện tích ngô, sắn sẽ mất trắng, người dân lại lâm vào cảnh khó khăn chồng chất”.
 
Chủ tịch UBND xã Ea Sin Phạm Văn Cháng

Không chỉ cây trồng “khát” nước, người dân ở xã Ea Sin đang lao đao vì thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. “Năm nay nắng hạn đến sớm, từ đầu tháng 2 giếng nước của gia đình tôi đã khô hạn. Từ đó đến nay, cứ 4 giờ sáng mỗi ngày cả nhà phải thay phiên nhau mang xô, chậu đến các khe suối trong rừng hứng từng giọt nước về dùng. Chúng tôi chỉ còn cách tiết kiệm, chắt chiu từng giọt nước và cầu mong trời mưa để người dân bớt khổ”  - bà  H' Ngói Niê (ở buôn Cư Mtao) than thở.

Xã Ea Sin có 5.000 ha cây trồng các loại, hiện đã có trên 2.000 ha bị thiệt hại do hạn hán, chủ yếu tập trung tại các buôn Ea Kring, Ea Káp, Cư Mtao…; hơn 400 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; 5/5 hồ đập, công trình thủy lợi cạn khô. Trước tình hình hạn hán kéo dài, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các thôn, buôn vận động người dân nạo vét kênh mương để khơi thông dòng chảy, khoan giếng ngay dưới lòng hồ tìm mạch nước cứu cây trồng; ủ rơm, lá khô cho cây để tránh bốc hơi thất thoát nước; áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm; chuyển đổi cơ cấy cây trồng phù hợp với những khu vực thường xuyên thiếu nước...

Nhiều diện tích cây trồng ở xã Ea Sin (huyện Krông Búk) bị chết cháy do khô hạn.
Nhiều diện tích cây trồng ở xã Ea Sin (huyện Krông Búk) bị chết cháy do khô hạn.

"Với những diện tích cây trồng bị cạn kiệt nguồn nước trên diện rộng, khó có khả năng khắc phục, xã khuyến cáo người dân không nên đầu tư chăm sóc để tránh thiệt hại kép. Đồng thời chỉ đạo các địa phương thống kê danh sách những hộ gia đình bị thiệt hại kinh tế nặng để đề nghị huyện hỗ trợ kinh phí kịp thời  cho người dân, nhanh chóng khôi phục sản xuất trong vụ mới", ông Phạm Văn Cháng, Chủ tịch UBND xã cho biết.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.