Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Ea Kar điêu đứng vì hạn hán

08:23, 25/03/2020

Trước tình hình thời tiết không có mưa, nguồn nước tại các sông, suối, ao, hồ xuống thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất vụ đông xuân trên địa bàn huyện Ea Kar. Hàng trăm hộ nông dân ở các xã phía đông của huyện đang đứng trước nguy cơ “trắng tay” do hạn.

Vụ đông xuân năm 2019 - 2020 toàn huyện Ea Kar có 27.787 ha cây trồng có nhu cầu tưới nước; trong đó cây lúa, hoa màu trên 8.460 ha, còn lại là cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả. Do thời gian nắng nóng kéo dài, nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm, mực nước tại các sông suối xuống thấp đã gây ra tình trạng khô hạn nặng nề. Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện đang có trên 1.500 ha cây trồng bị thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.

Vụ đông xuân năm nay gia đình ông Nguyễn Xuân Lành ở thôn 8, xã Ea Păl đầu tư trên 13 triệu đồng để trồng 6,8 sào lúa. Khi lúa vừa vào giai đoạn làm đòng thì không đủ nước để tưới. Để vớt vát phần nào công sức, tiền của bỏ ra, ông Lành gom nước ở trong ao tự đào để tập trung tưới cho hơn 1,5 sào, số còn lại coi như mất trắng. Ông Lành buồn bã: “Chưa năm nào khô hạn như năm nay, đồng ruộng nứt nẻ, nước ao, giếng cạn hết. Không chỉ lúa mà còn các loại cây trồng khác cũng đang chết khô vì thiếu nước...". 

Các ao trữ nước trên địa bàn xã Ea Păl (huyện Ea Kar) đã cạn kiệt nước.
Các ao trữ nước trên địa bàn xã Ea Păl (huyện Ea Kar) đã cạn kiệt nước.

Phó Chủ tịch UBND xã Ea Păl Nguyễn Minh Thuận cho biết, trước tình hình hạn hán kéo dài, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các thôn vận động người dân nạo vét kênh mương, giếng, mua ống tưới nước và tận dụng nguồn nước từ giếng khoan, ao hồ để cứu lúa. Tuy nhiên, do nguồn nước cạn kiệt nên trong số 310 ha lúa nước vụ đông xuân, đến nay đã có 10 ha bị mất trắng, 150 ha bị giảm năng suất từ 50 - 70%. Nếu tình trạng khô hạn kéo dài khoảng 1 tháng nữa thì toàn xã sẽ có trên 50% diện tích cà phê và các cây trồng lâu năm khác bị giảm năng suất, thậm chí mất trắng.

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp 714 ở thôn 12, xã Ea Păl gieo trồng và hợp đồng cung cấp nước tưới cho trên 500 ha lúa, khoai ở Ea Păl và Ea Ô. Những năm trước, HTX đều bảo đảm cung ứng, điều tiết đủ nước tưới cho các loại cây trồng. Tuy nhiên, năm nay nguồn nước đầu nguồn ở sông Krông Pắc cung cấp cho các trạm bơm đã cạn nên mỗi trạm bơm chỉ hoạt động được 1 máy với 50% công suất. Ông Trần Vũ Vơn, Phó Giám đốc HTX cho hay, hoạt động sản xuất của HTX chủ yếu trông chờ vào vụ đông xuân, nhưng năm nay khi cây lúa đang trong giai đoạn làm đòng lại không đủ nước tưới nên dự báo năng suất sẽ giảm từ 40-50%, tức là chỉ còn khoảng 3-4 tấn/ha. Để cứu lúa, HTX đã phân công các tổ trực 24/24 giờ tại 4 trạm bơm để điều tiết nước, tránh gây tình trạng tranh chấp nước tưới. Bên cạnh đó, HTX cũng đã thuê máy múc rộng lòng hồ chứa nước, huy động máy hút truyền, khơi nước từ ruộng trên xuống dưới, ưu tiên cho các đám ruộng bị khô. Thế nhưng mỗi trạm bơm cũng chỉ hoạt động 1-2 tiếng là phải ngừng đề gom nước về...

Nguồn nước đầu nguồn cung cấp cho trạm bơm T86 của Hợp tác xã Nông nghiệp 714 đã cạn,  không đáp ứng nhu cầu bơm nước cho các cánh đồng.
Nguồn nước đầu nguồn cung cấp cho trạm bơm T86 của Hợp tác xã Nông nghiệp 714 đã cạn, không đáp ứng nhu cầu bơm nước cho các cánh đồng.

Không chỉ xã Ea Păl mà nhiều hộ nông dân thuộc các xã Cư Bông, Cư Yang, Ea Ô, Ea Sô, Ea Sar, Cư Huê, Xuân Phú, Công ty TNHH MTV Cà phê 716, HTX Nông nghiệp Thành Lợi (xã Ea Ô)… cũng đang điêu đứng do hạn hán. Trước tình hình trên, huyện Ea Kar đã chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp khảo sát tìm kiếm nguồn nước, khắc phục được nước tưới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hợp lý; khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp như tủ gốc, sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây trồng, bể lắng, bể lọc dự trữ nước cho chăn nuôi, sinh hoạt; huy động nguồn lực tại chỗ, nguồn xã hội hóa để sửa chữa công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương...

Ông Hồ Tấn Cư, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Kar cho biết, trước tình hình hạn hán kéo dài, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Ea Kar đã chỉ đạo các xã tập trung nạo vét, bơm tát, tận dụng nguồn nước sông, khe suối, ao, giếng; phối hợp với Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk điều tiết nguồn nước từ hồ chứa nước Ea Rớt và kênh chính đông hồ chức nước Krông Búk… Tuy nhiên, nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài thì thiệt hại của người nông dân là rất lớn.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.