Tổ hợp tác Thanh niên gia công hàng may mặc:
Góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên địa phương
Tổ hợp tác Thanh niên gia công hàng may mặc xã Hòa Thành (huyện Krông Bông) đi vào hoạt động đã giúp nhiều thanh niên tại địa phương có việc làm thường xuyên với mức thu nhập ổn định.
Hòa Thành là xã thuần nông, chủ yếu trồng cà phê. Do thu nhập từ nghề nông quá thấp nên nhiều thanh niên đã rời quê đến các thành phố lớn để kiếm sống. Năm 2017, anh Nguyễn Đại Duy, Bí thư Đoàn xã Hòa Thành biết đến công việc gia công hàng may mặc qua lời giới thiệu của một người bạn.
Nhận thấy nghề này có thể giải quyết việc làm tại chỗ cho thanh niên, anh Duy đã mạnh dạn vay mượn tiền đầu tư máy móc và mở cơ sở may gia công và mời gọi một số thanh niên đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh trở về làm cùng anh. Vậy nên phần lớn công nhân làm việc tại cơ sở đều đã có sẵn tay nghề, không mất thời gian đào tạo. Với quy mô 8 máy may công nghiệp, cơ sở may của anh Duy đã tạo việc làm cho 10 thanh niên với mức lương 3,4 triệu đồng/tháng. Sau một thời gian làm việc, một số người đã mạnh dạn đầu tư vốn tách ra làm ăn riêng.
Tổ hợp tác Thanh niên gia công hàng may mặc xã Hòa Thành đã tạo việc làm cho nhiều thanh niên tại địa phương. |
Như trường hợp anh Bùi Đức Bình (thôn 1) từng có nhiều năm làm công nhân cho các công ty may mặc ở TP. Hồ Chí Minh. Với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng, anh Bình chỉ đủ trả tiền thuê trọ và trang trải chi phí sinh hoạt. Năm 2018, Bình quyết định trở về quê xin vào cơ sở may của anh Duy làm việc. Sau một năm, từ số tiền tích cóp và vay mượn, anh Bình đã đầu tư mở cơ sở may riêng ngay tại nhà. Trung bình mỗi tháng cơ sở may của anh Bình nhận gia công từ 1.200-1.500 bộ quần áo, đem lại cho anh nguồn thu nhập ổn định khoảng 8 triệu đồng/tháng. Đến nay, cơ sở may của anh đang có gần 10 lao động làm việc thường xuyên với mức lương từ 3,5- 5 triệu đồng/tháng.
Nhận thấy mô hình may gia công thu hút nhiều thanh niên làm ăn xa trở về và sống tốt được với nghề, tháng 3-2019 Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện Krông Bông đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác Thanh niên gia công hàng may mặc tại xã Hòa Thành với 5 thành viên.
Tổ hợp tác được Hội LHTN Việt Nam tỉnh và Hội LHTN Việt Nam huyện hỗ trợ 120 triệu đồng từ nguồn vốn Khởi nghiệp để mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ cho việc sản xuất. Các thành viên trong Tổ hợp tác cùng hỗ trợ nhau về kỹ thuật và tìm kiếm nguồn hàng giúp tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho nhiều lao động khác. Hiện Tổ hợp tác đang tạo việc làm cho trên 40 lao động tại địa phương, trong đó có cả thanh niên khuyết tật và thanh niên hoàn lương.
Điển hình như anh Bùi Đức Sơn (thôn 5) từng phải chịu án phạt 6 tháng tù treo vì hành vi đánh người gây thương tích. Năm 2018, sau khi cải tạo xong, anh đã được Tổ hợp tác nhận vào làm việc. Nhờ chăm chỉ làm việc, anh có thu nhập ổn định trên 6 triệu đồng/tháng. Hay như anh Hà Văn Cường bị hội chứng Down bẩm sinh. Sau khi được dạy nghề và nhận vào làm công việc vắt sổ tại Tổ hợp tác, với thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng, anh đã có thể tự nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình...
Anh Bùi Đức Sơn (bên trái) đã có việc làm thường xuyên từ nghề may gia công. |
Phó Bí thư Huyện Đoàn Krông Bông Bùi Tấn Lợi cho biết, đây là tổ hợp tác thanh niên đầu tiên được thành lập trên địa bàn Krông Bông. Thông qua mô hình, các thành viên có thể tương trợ nhau trong phát triển kinh tế, tạo thu nhập cho bản thân và gia đình, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại chỗ, hạn chế được tình trạng thanh niên bỏ quê đi làm ăn xa.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc