Bảo đảm cấp nước ổn định cho sinh hoạt và phòng chống dịch
Đang là thời kỳ cao điểm mùa khô nên nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân tăng lên. Trong bối cảnh cách ly toàn xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp để vừa cấp nước ổn định cho sinh hoạt của người dân vừa phục vụ hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch.
Theo đó, công ty đã lên kế hoạch, kịch bản ứng phó, trong đó xây dựng phương án bảo đảm hoạt động cấp nước ổn định trong tình huống có dịch và nhu cầu sử dụng nước tăng lên. Từ ngày 1-4, đơn vị đã thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, nhất là trong hoạt động giao dịch với khách hàng. Công ty cũng đã cắt giảm 30% số lượng người trực tại các phòng ban, trạm bơm, nhà máy. Những bộ phận có thể xử lý công việc bằng công nghệ thông tin thì bố trí làm việc ở nhà. Những người buộc phải đến cơ quan thì sau giờ làm việc được yêu cầu về nhà nhằm hạn chế tiếp xúc với bên ngoài.
Vận hành hệ thống xử lý nước tại Nhà máy nước Cư Pul (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột). |
Theo Phó tổng Giám đốc công ty Nguyễn Công Định, nguồn nước đang khai thác để sản xuất nước sạch tại Buôn Ma Thuột chủ yếu là ngước ngầm và các mạch xuất lộ. Thời điểm này đang mùa khô hạn, nguồn nước ngầm sụt giảm khoảng 10%, nên hệ thống máy cũng chỉ chạy được 90% công suất thiết kế, với 45.000 m3/ngày đêm. Dự báo trong thời gian tới, việc khai thác nước từ các giếng khoan sẽ không còn bảo đảm đáp ứng yêu cầu cấp nước. Trong khi đó, từ cuối tháng 3, đầu tháng 4-2020, lượng nước sử dụng của người dân trên địa bàn thành phố đã tăng so với trước đó, có thể dẫn đến nguy cơ thiếu nước. Hiện tại, công ty thực hiện vận hành, điều tiết nước hợp lý, những khu vực thiếu nước cục bộ sẽ được điều chỉnh lượng nước theo thời điểm, địa bàn. Ngoài ra, để nâng khả năng sản xuất của hệ thống, công ty triển khai phương án tăng công suất nhà máy xử lý nước mặt hồ Ea Cuôr Kắp (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) từ 5.000 m3/ngày đêm lên 7.000 m3/ngày đêm. Đặc biệt, công ty cũng có kế hoạch vận hành khoảng 30% công suất của Nhà máy nước Buôn Ma Thuột (công suất 35.000 m3/ngày đêm) tại xã Ea Na, huyện Krông Ana thuộc Dự án cấp nước cho TP. Buôn Ma Thuột và 3 huyện phụ cận. Nhà máy này hiện đã chạy thử nghiệm, mẫu nước đã qua xét nghiệm đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế và đã bơm vào mạng lưới an toàn. Đơn vị cũng đã súc rửa đường ống, kiểm tra hệ thống trang thiết bị, sẵn sàng cho việc cấp nước. Theo đó, nước từ nhà máy sẽ đưa về khu vực Bến xe phía Nam thành phố và có bơm tăng áp dẫn vào các bể chứa tại khu vực đường Thăng Long, Nguyễn Công Trứ, Lê Duẩn để cung cấp cho khu vực phía Tây và Nam thành phố. Cụ thể, từ 10-4 đến hết tháng 6-2020, sẽ khai thác với công suất từ 10.000 – 25.000 m3/ngày đêm tùy theo nhu cầu thực tế từng thời điểm. “Với việc vận hành hết 100% công suất hệ thống hiện có, bổ sung thêm sản lượng từ huyện Krông Ana về, nguồn nước phục vụ sinh hoạt và công tác phòng, chống dịch được đáp ứng đủ nhu cầu, tình trạng thiếu nước sẽ không xảy ra”, ông Định cho hay.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước thời gian cao điểm, nhà máy xử lý nước hồ Ea Cuôr Kắp được nâng công suất vận hành thêm 2.000 m3/ngày đêm. |
Về lâu dài, Nhà máy nước Buôn Ma Thuột sẽ đưa vào vận hành toàn bộ công suất sau khi hoàn thiện các thủ tục liên quan. Ngoài ra, nhà máy nước tại xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin) của Công ty TNHH Cấp nước Buôn Ma Thuột, công suất 15.000 m3/ngày đêm và Nhà máy nước Đạt Lý của Công ty Cổ phần Cấp nước Đạt Lý, công suất 5.000 m3/ngày đêm cũng đi vào hoạt động. Nguồn cấp nước hiện hữu và bổ sung không chỉ đủ phục vụ cho thời điểm này mà sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển, tăng dân số của thành phố trong nhiều năm tới.
Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk hiện cấp nước cho 69.733 khách hàng tại 13 phường, 4 xã của TP. Buôn Ma Thuột. Riêng trong năm nay, đơn vị sẽ mở mạng lưới mới để cấp nước cho khoảng 12.000 khách hàng, chủ yếu tại xã Hòa Khánh và Ea Kao từ nguồn nước của nhà máy tại huyện Krông Ana. |
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc