Multimedia Đọc Báo in

Chợ truyền thống lao đao vì Covid-19

09:02, 02/04/2020

Tiểu thương ở các chợ truyền thống lo lắng khi sức mua đang sụt giảm mạnh ở nhiều ngành hàng.

Chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột - đầu mối mua sắm hàng hóa lớn nhất của tỉnh những ngày này vắng vẻ. Hàng hóa ở chợ bày bán đủ loại, đủ kiểu mẫu nhưng người mua ít, đi đến đâu cũng nghe tiểu thương kêu ca “chợ ế, kinh doanh quá khó”.

Chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh, tiểu thương kinh doanh giày dép tại tầng 2 cho hay, do dịch bệnh, nên chẳng còn mấy ai đi chợ mua sắm. Tương tự, quần áo tại quầy của chị Nguyễn Thị Tâm, khu chợ C treo đầy trên sạp, giá vẫn giữ nguyên nhưng chẳng có khách đến hỏi mua. Chị than thở, khách đi mua sắm giảm sút nhiều khiến việc kinh doanh gặp khó mà tiểu thương như chị chưa biết phải xoay xở ra sao.

Khu vực bán thực phẩm tươi sống tại chợ thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M'gar) đìu hiu vắng khách.
Khu vực bán thực phẩm tươi sống tại chợ thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M'gar) đìu hiu vắng khách.

Tại chợ thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, sức mua của người tiêu dùng cũng giảm mạnh. Tình trạng này khiến nhiều tiểu thương lo lắng, đứng ngồi không yên vì không biết lấy đâu ra tiền để trả tiền hàng, phí thuê gian hàng…

Chị Nguyễn Thị Thủy, một người bán quần áo ở khu chợ lồng than thở, thời điểm trước Tết, trung bình mỗi ngày chị cũng bán được khoảng vài trăm nghìn đồng tiền hàng, vậy mà 1 tháng nay, doanh số tụt giảm thê thảm, thậm chí có ngày chẳng bán được món đồ nào. Quầy bán vải của chị Đinh Thị Tâm gần đó cũng không khá hơn. Chị Tâm cho hay, hơn 20 năm kinh doanh ở chợ, chưa bao giờ chị thấy sức mua thê thảm như hiện tại. Có ngày, khu chợ này hầu như không có khách ghé thăm. Cứ đà này kéo dài thêm vài ngày nữa, có lẽ chị phải tính đến việc làm đơn xin miễn thuế hoặc tạm đóng sạp hàng chứ việc kinh doanh hầu như không có lời.

Nhiều ngành hàng khác ở chợ thị trấn Quảng Phú cũng rơi vào cảnh đìu hiu vắng khách. Đến ngay cả thực phẩm tươi sống được coi là nhóm hàng nhu yếu phẩm, nhưng sức mua của người tiêu dùng cũng đã giảm đến 70% so với trước. Chị Dương Thị Hà, kinh doanh quầy thịt tại khu chợ B, chợ thị trấn Quảng Phú cho hay, trước đây mỗi ngày chị nhập về 1 tạ thịt, bán đến trưa là hết thì nay ngồi cả ngày cũng chưa bán hết 30 kg thịt heo.

Một số quầy hàng ở khu chợ lồng, chợ thị trấn Quảng Phú tạm đóng cửa, nhiều tiểu thương ngồi chơi vì không có khách hỏi mua hàng.
Một số quầy hàng ở khu chợ lồng, chợ thị trấn Quảng Phú tạm đóng cửa, nhiều tiểu thương ngồi chơi vì không có khách.

Ông Nguyễn Hùng Thái, Phó trưởng Ban quản lý chợ thị trấn Quảng Phú cho hay, toàn chợ có 400 hộ kinh doanh cố định và không cố định. Gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh cộng với giá nông sản xuống thấp khiến hoạt động thương mại ở chợ trở nên trầm lắng. Đến hiện tại, đã có khoảng 25% quầy, sạp kinh doanh ở chợ tạm đóng cửa do quá ế ẩm.

Vắng bóng người mua đang là tình trạng chung ở các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh. Sức mua xuống thấp nên tiểu thương khó bề xoay xở tiền hàng, phí thuê mặt bằng, đóng thuế… Nhiều tiểu thương ở các chợ cho hay, họ đang gửi đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương để xin miễn, giảm thuế.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.