Multimedia Đọc Báo in

Đa dạng hình thức hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

08:54, 27/04/2020

Nhờ triển khai nhiều hoạt động thiết thực, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Krông Búk đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Hội LHPN huyện Krông Búk có 8.243 hội viên, sinh hoạt ở 7 cơ sở hội với 106 chi hội. Để giúp hội viên từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, hằng năm, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cấp hội cơ sở thường xuyên rà soát số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ để tìm hiểu nguyên nhân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, từ đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả.

Qua phân tích cho thấy nguyên nhân cơ bản dẫn đến nghèo của hội viên là do thiếu đất canh tác, thiếu vốn sản xuất... Trước thực trạng này, một mặt các cấp hội đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, mặt khác, Hội LHPN huyện chỉ đạo các cơ sở hội xây dựng tổ tiết kiệm gây vốn tương thân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Chị Lưu Thị Hòa, Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Búk cho biết, thông qua 59 tổ tiết kiệm và vay vốn, các cấp Hội LHPN trong huyện đã tín chấp cho 2.295 hộ vay 72 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Ngoài ra, các tổ góp vốn xoay vòng, quỹ tiết kiệm làm theo lời Bác tại các chi hội cũng đã tiết kiệm được trên 3 tỷ đồng, tạo nguồn vốn tại chỗ giúp trên 290 hội viên nghèo vay để phát triển kinh tế.

Chị Bùi Thị Bích Ngọc ở thôn Nam Anh, xã Cư Kbô (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng nấm bào ngư của gia đình.
Chị Bùi Thị Bích Ngọc ở thôn Nam Anh, xã Cư Kbô (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng nấm bào ngư của gia đình.

Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, Hội LHPN huyện cũng đã kêu gọi hội viên, mạnh thường quân tài trợ hơn 200 triệu đồng xây dựng quỹ hỗ trợ cho 20 hộ hội viên thực hiện các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Riêng trong năm 2019, Hội LHPN huyện còn đề xuất Hội LHPN tỉnh hỗ trợ vốn 450 triệu đồng từ chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho 56 hộ hội viên tại xã Ea Sin và Pơng Drang vay để đầu tư sản xuất; đề xuất Phòng NN-PTNT huyện phân bổ 340 triệu đồng từ chương trình OCOP quốc gia (chương trình mỗi xã một sản phẩm) để hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất.

Với những phong trào, hoạt động cụ thể của các cấp Hội LHPN huyện Krông Búk, sự chủ động của hội viên, nhiều chị em đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Tiêu biểu như mô hình trồng nấm của gia đình chị Bùi Thị Bích Ngọc ở thôn Nam Anh, xã Cư Kbô. Nhờ được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm do Hội LHPN huyện tổ chức, đầu năm 2019, chị Ngọc đã mạnh dạn đầu tư 150 triệu đồng xây dựng mô hình trồng nấm bào ngư sạch với tổng diện tích nhà ươm nuôi khoảng 500 m2. Hiện sản phẩm nấm bào ngư của gia đình chị Ngọc được cung ứng tới các gian hàng ở chợ và nhiều nhà hàng, quán ăn tại huyện Krông Búk, thị xã Buôn Hồ với giá trung bình 50.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mô hình này cho gia đình chị Ngọc thu nhập trên 15 triệu đồng mỗi tháng.

Trước đây, hộ chị Phạm Thị Phúc ở thôn 2, xã Tân Lập chỉ có 9 sào cà phê, nhưng do thiếu vốn đầu tư nên cây trồng kém phát triển, kinh tế gia đình thuộc diện khó khăn. Năm 2011, nhờ Hội LHPN xã Tân Lập tín chấp, chị được mua phân bón trả chậm của doanh nghiệp và vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư trồng thêm tiêu, bơ, sầu riêng. Nhờ có vốn đầu tư, biết cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để chăm sóc cây trồng nên năng suất vườn cà phê tăng gấp đôi (đạt 4 tấn nhân/năm). Có vốn, năm 2015, chị Phúc mua thêm 7 sào đất cạnh nhà làm vườn ươm cây giống cung ứng cho người dân trong vùng. Đến nay, bình quân mỗi năm chị Phúc thu hoạch được 1,5 tấn tiêu, 7 tấn sầu riêng, 4 tấn cà phê, 10 tấn bơ; mỗi tháng cung ứng ra thị trường trên 3.000 cây giống các loại từ vườn ươm... với tổng thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng.

Chị Phạm Thị Phúc ở thôn 2, xã Tân Lập (bên phải) tại vườn ươm cây giống.
Chị Phạm Thị Phúc ở thôn 2, xã Tân Lập (bên phải) tại vườn ươm cây giống.

Theo chị Lưu Thị Hòa, để giúp hội viên phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay, hằng năm Hội LHPN huyện đã tổ chức từ 8-10 lớp tập huấn tuyên truyền cho hội viên phụ nữ trên địa bàn từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn chị em mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế. Qua khảo sát cho thấy, 100% hội viên vay vốn đã sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả rõ rệt. Đến nay, số hộ nghèo do hội viên phụ nữ làm chủ hộ của huyện chỉ còn 210 hộ, giảm 68 hộ so với đầu năm 2019.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc