Multimedia Đọc Báo in

Hiện hữu nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp (Kỳ cuối)

09:31, 08/04/2020

Kỳ cuối: Đừng để đến hạn lại…lo !

Mỗi mùa khô hạn đến phải phòng, chống, khắc phục như thế nào để hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế lẫn đời sống dân sinh là “bài toán” đặt ra chưa có lời giải thỏa đáng.  

Việc đối mặt với tình trạng hạn hán vào mùa khô hằng năm ở Đắk Lắk không còn là vấn đề cá biệt nữa, mà trở nên thường xuyên hơn trong nhiều năm nay. Có điều, mỗi mùa khô hạn đến phải phòng, chống, khắc phục như thế nào để hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế lẫn đời sống dân sinh là “bài toán” đặt ra chưa có lời giải thỏa đáng.  

Riêng mùa khô hạn năm nay, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN - PTNT cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành,  địa phương và các đơn vị liên quan chủ động triển khai phương án cụ thể, thiết thực để chống hạn. Ví như Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk đảm nhiệm tưới cho gần 50.000 ha lúa, hoa màu và cà phê tại các vùng trọng điểm: Lắk, Krông Pắc, Ea Súp, Krông Ana, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ. Các HTX nông nghiệp, tổ hợp tác đảm nhận tưới cho khoảng 22.000 ha cây trồng các loại và bảo đảm nguồn nước mặt cho 16 ha nuôi trồng thủy sản. Huy động nguồn lực trong dân tích cực nạo vét hồ, giếng để bơm tưới cho khoảng 2.000 ha cây lâu năm trong vườn, rẫy hộ gia đình. Như vậy, tính ra diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh được đáp ứng nhu cầu nước tưới trong mùa khô này gần 75.000 ha, chưa đầy 1/10  tổng diện tích canh tác hiện có.

Đập tràn Buôn Triết, huyện Lắk đã kiệt nước hơn một tháng qua.  Ảnh: Công Lý
Đập tràn Buôn Triết, huyện Lắk đã kiệt nước hơn một tháng qua. Ảnh: Công Lý

Các giải pháp trên cho thấy dù đã hết sức nỗ lực, nhưng rõ ràng nhu cầu nước tưới cho nền sản xuất nông nghiệp ở đây luôn là mối lo thường trực khi mùa khô hạn đến. Theo tính toán của ngành nông nghiệp, để đáp ứng lượng nước tưới cho các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh vào mùa khô hạn (dù năm mưa ít, mưa nhiều) cần khoảng 1,2 tỷ m3 nước. Trong khi trên thực tế, nếu lượng nước được dự trữ trong số 782 hồ đập, công trình thủy lợi lớn nhỏ đạt dung tích thiết kế khoảng 650 triệu m3 thì cũng chỉ đáp ứng 1/2 nhu cầu, còn lại phải khai thác nguồn nước ngầm ở mức tối đa 530 triệu m3 nữa là kiệt, vẫn không đủ tưới cho diện tích cây trồng cần nước ở 15 huyện, thị xã và thành phố. Đó là chưa nói đến tình trạng hạn hán diễn ra khiến lượng nước trong các hồ đập, công trình thủy lợi nói trên sụt giảm đáng kể, trung bình từ 40 – 60% vào mùa khô hằng năm. Theo đó, mực nước ngầm có sẵn trong khoảng một thập niên gần đây, không phải lúc nào cũng ở mức tối đa như đã nêu, mà suy kiệt đi rất nhiều, chỉ còn trên dưới 300 triệu m3 do tác động tiêu cực của con người vào môi trường tự nhiên và cấu tạo thành địa chất vốn có.

Những thông số trên càng chứng tỏ nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở Đắk Lắk là "vấn nạn" khó lòng giải quyết - và hơn thế đã đẩy việc phát triển kinh tế, xã hội ở đây rơi vào thế bấp bênh, thiếu bền vững.  Tại Hội thảo phát triển chuỗi giá trị gia tăng cà phê diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7-2019, ông Lương Văn Tự, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho rằng: “Trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở Đắk Lắk, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp đã bộc lộ những hạn chế, bất cập khiến yếu tố bền vững ngày càng mất đi. Ngoài nguồn nước tưới thiếu hụt ra, phải kể đến vấn đề quy hoạch trong sản xuất thường xuyên bị phá vỡ, dẫn đến tình trạng thụ động trong công tác dự báo, nắm bắt thị trường, chiến lược phát triển và đặc biệt là sự ổn định đời sống sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như người dân địa phương”.

Điều đó cũng có thể thấy rõ trong thực tế. Chẳng hạn như diện tích cà phê được quy hoạch vào khoảng 150.000 - 180.000 ha, nhưng đến nay đã vượt ra ngoài con số 220.000 ha. Cây hồ tiêu cũng đã tăng gần gấp đôi so với quy hoạch khoảng 40.000 ha. Lúa nước cũng vậy, năm nào diện tích tự phát cũng nhảy lên từ 1.500 - 1.800 ha. Rồi cây ăn quả, lấy hạt như bơ, sầu riêng, mít, ca cao, mắc ca… đang có xu hướng vượt ra ngoài tầm kiểm soát, gây thêm nỗi lo thiếu nước hàng năm. Theo Sở NN-PTNT, số diện tích cây trồng “ngoài dự liệu” này đã khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn - từ việc quản lý, cung ứng dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm và bảo đảm thị trường tiêu thụ, cho đến vấn đề ứng phó với những tình huống bất lợi như giá cả biến động, thiên tai xảy ra… càng trở nên thường trực hơn.

Các chuyên gia kinh tế nông nghiệp cho rằng, nên lấy yếu tố nguồn nước làm căn cứ hoạch định cho mục tiêu, chiến lược phát triển của tỉnh. Nên căn cứ, tính toán lượng nước hằng năm để xây dựng, thực hiện kế hoạch sản xuất cho phù hợp, bảo đảm bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, tránh tình trạng chạy theo, mở rộng diện tích cây trồng một cách bất chấp, không phù hợp với thực tiễn.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.