Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua "bão" dịch

10:01, 17/04/2020

Đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề và tác động đa diện đến kinh tế và xã hội, hàng loạt doanh nghiệp (DN) hiện phải đối mặt với không ít khó khăn.

Lao đao vì dịch Covid-19

Hoạt động trong ngành thương mại, dịch vụ, Công ty TNHH Đầu tư Du lịch và Thương mại Đam San là một trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Ông Lê Hoàng Cơ, Tổng Giám đốc công ty cho hay, công ty kinh doanh các ngành nghề chính như: du lịch lữ hành, khách sạn, nhà hàng, giáo dục nghề nghiệp nên từ khi dịch bắt đầu bùng phát, tất cả các ngành dịch vụ đều không có khách, nhà hàng phải đóng cửa, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không được dạy... khiến doanh thu của công ty hầu như là không có.

Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương (huyện Krông Năng) chỉ còn duy trì một số công nhân làm việc theo thời vụ.
Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương (huyện Krông Năng) chỉ còn duy trì một số công nhân làm việc theo thời vụ.

Tương tự, Công ty TNHH Thái Hòa (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển và năng lượng cũng đang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch Covid-19. Ông Trần Tiến Bình, Giám đốc công ty chia sẻ, từ sau Tết Nguyên đán 2020, việc giao dịch, mua bán của công ty rất chậm, nguyên nhân một phần là do sau Tết nhu cầu mua sắm của các tổ chức, cá nhân ít, song chủ yếu vẫn là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong quý I-2020, doanh thu của công ty chỉ đạt từ 6 - 7 tỷ đồng, giảm trên 70% so với các năm trước. Trong khi đó mỗi tháng để duy trì hoạt động, giữ chân 40 công nhân, công ty phải chi trả ít nhất 300 triệu đồng tiền lương; chưa kể các khoản như thuế, bảo hiểm, lãi vay ngân hàng... Trong thời gian này, nhiều dự án về năng lượng mặt trời của DN đều phải tạm dừng. Nếu tình hình này kéo dài, DN khó có thể trụ vững được và phải cho một số công nhân tạm nghỉ.

Là DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông sản, Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương (huyện Krông Năng) cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chị Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc công ty cho biết, hoạt động của đơn vị là sản xuất, đóng gói và xuất khẩu sản phẩm hạt mắc ca với gần 30 công nhân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid–19, chi phí vận chuyển cao, nhiều đầu mối tiêu thụ cũng ngừng nhập hàng nên sản phẩm phải bảo quản trong kho lạnh, không xuất ra được. Tình hình trên không chỉ khiến doanh thu trong quý I của công ty giảm hơn 50% so với cùng kỳ mà gần 30 công nhân ở khâu sản xuất cũng phải tạm nghỉ việc. Bên cạnh đó, việc bảo quản hàng trong kho lạnh dài ngày dẫn đến chi phí tiền điện tăng cao, cùng với các chi phí khác cũng tạo nên gánh nặng không nhỏ cho DN trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Trong khi doanh thu bị sụt giảm nặng nề, các DN vẫn phải gánh chịu nhiều khoản chi phí lớn. Chi phí nhân công lao động đang là gánh nặng lớn nhất của 34,5% DN; tiếp theo là khoản chi trả lãi vay ngân hàng (25%); chi phí hoạt động thường xuyên (20,6%); chi phí thuê mặt bằng (17,9%). (Kết quả khảo sát DN của Đại học Kinh tế Quốc dân).

Số liệu báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho thấy, 3 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN có chiều hướng sụt giảm, nhất là lĩnh vực vui chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn… giảm từ 70 – 80% lượng khách; vận tải hành khách, hàng hóa giảm 30 – 40%; nhiều DN trong lĩnh vực cơ khí không tiêu thụ được hàng hóa sản xuất ra, hàng tồn kho tương đối lớn. Các DN xuất khẩu hàng nông sản hiện đang gặp khó khăn do công tác kiểm dịch rất chặt chẽ hoặc tạm dừng hoạt động xuất nhập cảnh tại các nước trên thế giới làm đình trệ giao thương. Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng nông sản của địa phương giảm mạnh gây khó khăn cho nhiều DN sản xuất nông nghiệp…

Nhiều giải pháp hỗ trợ

Trong giai đoạn hiện nay, những tác động từ dịch bệnh Covid-19 nếu diễn ra trong thời gian dài thì nhiều DN không đủ sức để bám trụ. Chính vì vậy, bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, Chính phủ đã có Chỉ thị số 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 31-3-2020, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch để hỗ trợ các DN từng bước tháo gỡ khó khăn. Theo đó, kế hoạch tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử; rà soát cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho DN; tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; phục hồi và phát triển du lịch; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh…

Cửa hàng bán các loại xe ô tô của Công ty TNHH Thái Hòa đìu hiu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cửa hàng bán các loại xe ô tô của Công ty TNHH Thái Hòa đìu hiu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đồng hành cùng cả tỉnh trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Võ Tá Quốc cho biết, Hiệp hội cùng các thành viên đang phối hợp với cơ quan chức năng để chủ động và nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm quyền lợi của người lao động. Đáng chú ý, Hiệp hội cũng đề nghị tỉnh và các ngành chức năng sớm ban hành những chương trình, kế hoạch đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ DN nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh; có biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại; kết nối phát triển các thị trường xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần sớm triển khai thực hiện các chính sách gia hạn nợ, giảm lãi suất; miễn, giãn, giảm thuế, tiền thuê đất; tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đến hết năm 2020, không tính lãi phạt chậm nộp; xem xét các giải pháp, chính sách giãn nợ, giảm lãi suất cho vay để tạo điều kiện cho DN, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, cơ cấu lại sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh được khống chế...

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.