Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Nhiều nông dân chọn nuôi thỏ sinh sản để làm kinh tế

08:35, 06/04/2020

Hiện nay, một số hộ dân ở xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) đang triển khai mô hình nuôi thỏ sinh sản để phát triển kinh tế gia đình, bước đầu đã cho thấy hiệu quả.

Gia đình anh Nguyễn Khắc Quân (ở thôn 5) đang nuôi 50 con thỏ mẹ sinh sản, khoảng 200 thỏ con và luôn duy trì nuôi 100 con thỏ thịt thương phẩm. Để nuôi được số lượng thỏ này, anh đã đầu tư xây dựng khu chuồng trại khoảng 100 m2 với nhiều dãy chuồng, mỗi dãy lại chia thành từng lồng có nhiều ngăn nhỏ nhằm phân loại thỏ sinh sản theo từng chu kì cũng như tiện lợi cho việc chăm sóc. Thỏ giống sau 6 tháng nuôi thì bắt đầu sinh sản, bình quân mỗi năm 1 thỏ mẹ đẻ 6 lứa, mỗi lứa từ 6 - 8 con. Với 50 thỏ mẹ như hiện nay, mỗi tháng anh Quân có thể xuất bán gần 200 thỏ con với giá 50.000 đồng/con. Số thỏ con còn lại anh tiếp tục nuôi 4 - 5 tháng, đến khi thỏ đạt trọng lượng trung bình 1,8 - 2 kg/con là có thể xuất bán với giá khoảng 70.000 đồng/kg. Đây là nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình anh Quân.

Anh Nguyễn Khắc Quân chăm sóc đàn thỏ  của  gia đình.
Anh Nguyễn Khắc Quân chăm sóc đàn thỏ của gia đình.

Theo kinh nghiệm nuôi thỏ của anh Quân, để thịt thỏ thơm ngon, bảo đảm chất lượng, anh cho ăn thức ăn chính là phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương. Tuy nhiên, thỏ dễ mắc bệnh ngoài da và đường ruột nên thức ăn phải khô, không để dính nước, người nuôi phải thường xuyên dọn dẹp chuồng nuôi thoáng mát, sạch sẽ để đàn thỏ sinh trưởng, phát triển tốt.

Cũng có chung định hướng trong phát triển chăn nuôi thỏ, anh Nguyễn Tấn Hiền (thôn 5) đã đầu tư gần 1 triệu đồng mua 10 con thỏ giống Newzealand về nuôi. Hiện nay trong chuồng của gia đình anh Hiền luôn có 40 thỏ mẹ và 500 - 600 con thỏ thương phẩm; trung bình mỗi tháng xuất bán 150 kg, với giá như hiện nay thì sau khi trừ chi phí anh lãi 6 triệu đồng/tháng. Anh Hiền dự định trong thời gian tới kết hợp với một số hộ nuôi thỏ khác trong xã như anh Nguyễn Khắc Quân, Nguyễn Tấn Lâm... thành lập tổ hợp tác chăn nuôi thỏ sinh sản và thỏ thương phẩm.

Vàng A Hiệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.