Khan hiếm heo giống: Người chăn nuôi đối diện nhiều rủi ro
Đến thời điểm này, tình hình dịch tả heo châu Phi trên địa bàn Đắk Lắk cơ bản đã được khống chế. Theo đó, nhiều hộ dân đã mạnh dạn tái đàn và đối diện với nhiều rủi ro khi nguồn cung con giống khan hiếm.
"Tiền mất, tật mang" vì tin thương lái
Sau khi xuất bán toàn bộ đàn heo phục vụ thị trường Tết, anh Phạm Văn Điệp (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) không tìm được heo giống để tái đàn do nguồn giống tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khan hiếm, giống tại các trang trại tập trung lại có giá quá cao và khó mua.
Qua trao đổi tại các diễn đàn chăn nuôi, vào giữa tháng 2-2020, anh liên lạc với một thương lái chuyên bán heo giống tại huyện Ea Kar và mua 22 heo con với giá 37,4 triệu đồng (1,7 triệu đồng/con trọng lượng 7 - 8 kg). Sau đó, thương lái giao heo đến tận nhà anh Điệp, lúc đó một số con trong đàn có biểu hiện mệt mỏi, lờ đờ. Sáng hôm sau, đàn heo xuất hiện các triệu chứng: bỏ ăn, sốt, tiêu chảy, phân lẫn máu… và chết rải rác. Anh tìm cách liên lạc với thương lái, nhưng họ liên tục thoái thác trách nhiệm nên anh đành phải tự tiêu hủy toàn bộ đàn heo và báo với thú y địa phương. Sau nhiều lần gây sức ép, kể cả việc trình báo Công an, đến nay thương lái chỉ mới chuyển trả lại anh 5 triệu đồng.
Anh Phạm Văn Điệp (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) mua cả heo nhỏ để tái đàn. |
Cũng tại xã Ea Bhốk, gia đình anh Trần Văn Bình còn khốn khổ hơn vì mua phải heo bệnh. Vào tháng 2-2020, vợ chồng anh Bình đến tận nhà của thương lái tại Km 43 (huyện Krông Pắc) để xem và chọn heo giống. Thấy heo đẹp khỏe mạnh, anh chị mua 2 đàn (24 con) với giá 36 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ sau khi bắt heo giống về trại 1 ngày, một số con bắt đầu bỏ ăn, sốt, tiêu chảy, run chân rồi dẫn đến co giật, hộc máu mũi, miệng và chết trong vài ngày sau đó. Anh Bình mua nhiều loại thuốc để điều trị nhưng không thể cứu vãn. Gia đình chưa hết buồn thì hơn 10 ngày sau, đàn heo thịt (34 con) gần đến ngày xuất chuồng trong trại cũng có biểu hiện bệnh tương tự rồi chết, thiệt hại ước tính lên đến 200 triệu đồng. Toàn bộ heo bệnh, chết gia đình tự tiêu hủy nên không được Nhà nước hỗ trợ. Thương lái thì hoàn toàn phủi bỏ trách nhiệm vì anh Bình mua heo không hề có hóa đơn hay bất cứ giấy tờ cam kết nào.
Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cư Kuin, sau khi dịch tả heo châu Phi trên địa bàn huyện qua 30 ngày không tái phát, địa phương đã hướng dẫn và giám sát chặt chẽ việc tái đàn tại các cơ sở chăn nuôi heo theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, trong đó chú trọng đến khâu lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng và sạch bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, do thấy giá heo thịt đang ở mức cao nên đã không quan tâm những khuyến cáo của cơ quan chức năng, tự tìm mua con giống không rõ nguồn gốc dẫn đến thiệt hại về kinh tế. Trạm cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành nghiêm các quy định trong chăn nuôi.
Lãi cao nhưng khó tái đàn
Dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp đã khiến nguồn cung heo giống sụt giảm nghiêm trọng, đẩy giá heo giống lên cao ngất ngưởng. Qua khảo sát, giá heo giống từ các trang trại lớn, đã tiêm phòng đầy đủ và có giấy tờ kiểm dịch hiện nằm ở mức 2,6 – 2,7 triệu đồng/con (trọng lượng 7 - 10 kg). Còn heo giống trọng lượng tương đương mua tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hoặc qua thương lái cũng lên đến 1,7 - 2 triệu đồng/con. Theo anh Nguyễn Văn Thành (xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắc), với giá cả hiện tại, mỗi con heo thịt cho lãi khoảng 2,5 triệu đồng sau 5 tháng chăm sóc. Tuy nhiên, giá heo giống có kiểm dịch hiện nay quá cao, người chăn nuôi rất khó tiếp cận. Còn heo không qua kiểm dịch có giá “mềm” hơn thì lại tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh lớn, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi, dễ khiến người chăn nuôi trắng tay. Bên cạnh đó, các chính sách bình ổn giá và nhập khẩu thịt heo từ nước ngoài có khả năng sẽ tác động lớn đến giá heo hơi nên đa số các hộ chăn nuôi đều rất thận trọng. Ngay tại trang trại của anh Thành hiện cũng chỉ duy trì 1/3 công suất tối đa với 100 con heo thịt. Anh dự kiến xuất chuồng toàn bộ đàn heo trong tháng tư rồi tạm nghỉ, chờ giá heo ổn định mới đầu tư heo nái từ các đơn vị uy tín rồi tự nhân giống.
Anh Trần Văn Bình (xã Ea Bhốc, huyện Cư Kuin) bỏ trống chuồng trại gần 1 tháng qua sau khi bị thiệt hại vì mua phải heo bệnh. |
Đối với các hộ chăn nuôi đã từng bị thiệt hại do dịch bệnh càng gặp nhiều khó khăn khi tái đàn vì không còn đủ vốn đầu tư. Chẳng hạn như trường hợp hộ anh Trần Văn Bình (huyện Cư Kuin) nêu trên, sau khi đàn heo bị chết do dịch bệnh, gia đình đã cọ rửa sạch chuồng trại, rắc vôi, phun formal và thực hiện nhiều biện pháp tiêu độc khử trùng khác, đồng thời để trống chuồng trại hơn cả tháng. Hiện gia đình mới dám đầu tư nuôi lại với số lượng rất ít (4 con) để cầm chừng và tận dụng 1 ô chuồng heo để nuôi 100 con vịt xiêm.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện đơn vị đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở chăn nuôi heo phải áp dụng nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Đặc biệt, con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh; thức ăn không nhiễm mầm bệnh. Chi cục cũng khuyến cáo, đối với các hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ, chuồng trại không bảo đảm, tạm bợ thì không nên tái đàn mà nên chuyển qua nuôi động vật khác. Hiện tại, việc khôi phục đàn heo chủ yếu ở các công ty, trang trại lớn, còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn phải bỏ trống chuồng do không bảo đảm các điều kiện chăn nuôi an toàn.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, đến nay TP. Buôn Ma Thuột, huyện Krông Ana và Ea Súp đã ban hành Quyết định công bố hết dịch tả heo châu Phi. Trên địa bàn tỉnh còn huyện Cư M’gar có dịch chưa qua 30 ngày. Chi cục yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm việc tái đàn theo Chỉ thị 14/CT-UBND, ngày 11-11-2019 của UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các biện pháp phát triển chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát tái đàn trong chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh. |
Minh Nga
Ý kiến bạn đọc