Multimedia Đọc Báo in

Ngành bán lẻ tìm cách thích ứng trong dịch Covid-19

13:49, 28/04/2020
Từ khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội, lượng khách đến mua hàng tại các điểm kinh doanh bán lẻ cố định sụt giảm mạnh, dù các kênh mua sắm vẫn mở cửa phục vụ bình thường, hàng hóa cung ứng phong phú.

Trước tình hình đó, để duy trì hoạt động kinh doanh, thích ứng với nhu cầu mua sắm của khách hàng, nhiều siêu thị, tiểu thương đã tăng cường bán hàng từ xa, đặt hàng và giao hàng tận nhà thông qua tin nhắn điện thoại hoặc qua Zalo, Facebook. Việc làm này khá đơn giản, thay vì đến trực tiếp cửa hàng để mua sắm, khách chỉ cần ngồi ở nhà chọn hàng, trao đổi qua điện thoại hoặc mạng xã hội và chỉ bằng một tin nhắn hay cái nhấp chuột là có thể mua được những món hàng ưng ý.

Chị Phạm Thị Trúc Ngân kiểm tra đơn hàng  của khách đặt qua tin nhắn điện thoại  và mạng Facebook.
Chị Phạm Thị Trúc Ngân kiểm tra đơn hàng của khách đặt qua tin nhắn điện thoại và mạng Facebook.

Theo đại diện siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột, dù lượng khách đến siêu thị ít, nhưng doanh số của đơn vị vẫn duy trì ở mức ổn định, hình thức đặt hàng trực tuyến cũng trở nên phổ biến hơn. Các đơn đặt hàng trực tuyến của siêu thị đã tăng khoảng 20% so với trước. Bà Trần Thị Thành Nhân, Phó Giám đốc siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột cho biết, siêu thị đang triển khai chương trình mua sắm từ xa cho khách hàng và đẩy mạnh truyền thông để người tiêu dùng quen dần với việc ngồi ở nhà gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn đến bộ phận tiếp nhận qua địa chỉ email hoặc Zalo, Facebook của siêu thị để đặt hàng. Siêu thị bảo đảm giao hàng chất lượng, an toàn đến tận tay người mua. Thực hiện đúng khuyến cáo của Bộ Y tế, nhân viên giao hàng của siêu thị cũng được trang bị khẩu trang y tế, nước sát khuẩn và tuân thủ nguyên tắc giữ khoảng cách 2 mét với người đối diện khi giao hàng để bảo vệ cho chính mình và cộng đồng.

Không chỉ có ở siêu thị, tại các chợ nội thành, để “tự cứu mình” trong thời điểm kinh doanh khó khăn, nhiều tiểu thương bắt đầu nhận đặt hàng qua điện thoại và giao tận nơi cho khách. Chị Nguyễn Thị Lan, tiểu thương quầy thịt tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột chia sẻ, chị nhắn tin hoặc gọi điện cho khách quen thông báo việc sẽ nhận đơn hàng và giao hàng tận nơi cho khách thuộc nội thành trong vòng bán kính 5 km trở lại không tính phí. Thịt được chị làm sạch, cắt lát theo yêu cầu, cho vào bao bì gọn gàng. Nếu khách nào có nhu cầu mua thêm các loại rau, gia vị đi kèm thì chị cũng sẵn sàng mua hộ và giao tận nhà cho khách. Ban đầu cũng có nhiều người không quen với việc mua hàng tươi sống qua điện thoại vì tâm lý muốn đến tận nơi để xem và chọn hàng. Song về sau, chính việc chị bán hàng giữ uy tín về chất lượng hàng hóa nên có không ít bà nội trợ đã quen dần và thường xuyên đặt mua.

Nhân viên Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột giao hàng cho khách đặt hàng online.
Nhân viên Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột giao hàng cho khách đặt hàng online.

Trong thời điểm chấp hành Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cửa hàng Nem Việt của chị Trần Thị Kim Cúc  trên đường Lý Thường Kiệt (TP. Buôn Ma Thuột) tạm đóng cửa. Để có tiền trang trải tiền thuê mặt bằng, tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh, hiện chị Cúc không mở cửa đón khách vào ăn tại chỗ, nhưng vẫn nhận đơn hàng qua điện thoại. Chị Cúc cho hay, cửa hàng phục vụ giao hàng tận nơi cho khách không tính phí trong vòng bán kính 3 km. Tương tự, chị Phạm Thị Trúc Ngân (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đã thiết lập trang Zalo, Facebook để bán hàng online đối với các loại thực phẩm an toàn, đặc sản địa phương như thịt, trứng vịt Lắk, chả cá thác lác, cá rô đồng, rau an toàn các loại... Chị Ngân cho biết, thay vì đến điểm bán cố định của chị như mọi lần để mua hàng, khách chỉ cần ngồi ở nhà, nhắn tin đặt hàng qua điện thoại. Thịt, cá được chị sơ chế, rửa sạch sẽ, thậm chí có tẩm ướp sẵn gia vị nếu khách có nhu cầu và chị giao hàng tận nơi không tính phí.

Có thể nói, chính việc tạm dừng các dịch vụ không cần thiết để phòng, chống dịch bệnh đã mở ra cơ hội cho kênh mua sắm online, góp phần hình thành thói quen mua sắm công nghệ cho người tiêu dùng địa phương và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn.

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.