Multimedia Đọc Báo in

Nghị quyết 13 - NQ/TU của Đảng bộ tỉnh: Xung lực mới cho kinh tế tập thể

09:34, 08/04/2020

Thay đổi tư duy, cách làm, phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang gián tiếp là định hướng của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể (KTTT) trong thời gian tới.

Hợp tác xã: Nhiều, nhưng chưa mạnh

Theo số liệu của Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 526 HTX, trong đó có 412 HTX đang hoạt động, 114 HTX ngừng hoạt động. Doanh thu bình quân của HTX đạt 1,3 tỷ đồng/năm, thu hút 61.000 thành viên tham gia, thu nhập bình quân đạt 40 - 45 triệu đồng/người/năm.

Đắk Lắk được đánh giá là địa phương có hoạt động KTTT sôi động, phát triển đồng đều ở các lĩnh vực, ngành nghề. Trong nông nghiệp, toàn tỉnh có 313 HTX, chiếm 59,5% tổng số HTX, với khoảng 12.000 thành viên tham gia. Theo kết quả đánh giá, xếp loại, có 35% HTX nông nghiệp đạt loại khá, giỏi; 50% trung bình; còn lại yếu kém, 40 HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, 71 HTX thực hiện liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị đã chú trọng đến sản xuất có chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sản xuất theo hướng hữu cơ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, toàn tỉnh có 55 HTX, thu hút gần 9.500 thành viên tham gia, giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động. Các HTX công nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh khá đa dạng, như: mây tre đan, dệt thổ cẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, chế biến gỗ, mỹ nghệ, điện nước…

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường thăm gian hàng của HTX Nông nghiệp - Du lịch Sêrêpôk 3 tại Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên năm 2019.
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường thăm gian hàng của HTX Nông nghiệp - Du lịch Sêrêpôk 3 tại Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên năm 2019.

Để thêm kênh tài chính cho HTX, năm 2007, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động. Đến nay, có 96 lượt HTX được vay vốn từ quỹ này với tổng số tiền gần 20,5 tỷ đồng. Riêng năm 2019 có 7 HTX được giải ngân vốn vay với tổng số kinh phí 4,7 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay của quỹ, các HTX đã đầu tư mua máy móc thiết bị, vật tư phân bón phục vụ cho sản xuất.

Theo Liên minh HTX tỉnh, địa phương có số lượng HTX lớn, tuy nhiên đa số HTX có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, vốn góp của các thành viên ít, đầu tư dàn trải nên HTX không có khả năng đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại; chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của nhiều HTX chưa cao, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên HTX, giữa các HTX với nhau và HTX với doanh nghiệp. Do đó, lợi ích mang lại cho thành viên và HTX chưa cao, chưa tạo được động lực khuyến khích người dân gắn bó chặt chẽ với HTX. Bên cạnh đó, do hạn chế về nguồn kinh phí nên công tác triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ chưa đạt hiệu quả cao. Số lượng HTX được tiếp cận các chính sách của Nhà nước, nhất là chính sách về tín dụng, đất đai còn rất hạn chế.

Thay đổi nhận thức, cách làm

Nhằm đưa KTTT phát triển đúng với vai trò là thành phần kinh tế quan trọng, ngày 17-3-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có Nghị quyết số 13-NQ/TU về phát triển KTTT. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn có những rào cản, khó khăn, hạn chế trong KTTT, do đó cần có sự thay đổi, đột phá trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền địa phương và bản thân các HTX. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được đặt ra là thực hiện, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển KTTT. Theo đó, khuyến khích và tạo điều kiện cho các nông hộ “dồn điền, đổi thửa”, tập trung ruộng đất thành những cánh đồng lớn để liên kết, hợp tác sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng sản phẩm đồng đều. Rà soát lại quỹ đất tại địa phương, ưu tiên cho các HTX thuê đất làm trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Mục tiêu quan trọng của Nghị quyết 13 là tập trung xây dựng, củng cố, nâng cao số lượng, chất lượng hoạt động của HTX, phấn đấu đến năm 2025, 80% HTX hoạt động có hiệu quả, 50% nông hộ tham gia các tổ chức kinh tế hợp tác, năm 2030, tỷ lệ này tương ứng đạt 90% và 70%.

Một giải pháp trọng tâm khác được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đưa ra là thúc đẩy liên doanh, liên kết, chú trọng phát triển mô hình HTX kiểu mới liên kết với doanh nghiệp, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển trang trại, làng nghề truyền thống và sản phẩm theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đồng thời tổ chức nghiên cứu, học tập các mô hình KTTT hiệu quả, hỗ trợ HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo hướng hữu cơ, sản phẩm có chứng nhận, thương hiệu, đặc biệt là thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP.

Sản xuất cà phê đặc sản tại HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột.
Sản xuất cà phê đặc sản tại HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột.

Để tạo động lực cho kinh tế hợp tác phát triển, tỉnh sẽ tiếp tục huy động, tranh thủ nguồn lực xã hội, các tổ chức, đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia phát triển KTTT. Cân đối, bố trí lồng ghép các nguồn lực, ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, từng bước thay đổi phương thức hỗ trợ từ “cho không” sang “cho vay”, “cho thuê”; từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ nhận thức, định hướng, phương thức hoạt động, nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tự lực của HTX trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cùng với các chính sách hỗ trợ gián tiếp bằng cơ chế, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định một nhiệm vụ then chốt là tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể và Liên minh HTX tỉnh trong phát triển KTTT. Trong đó, phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên để đưa ra kế hoạch cụ thể, kiểm tra và thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch về KTTT. Bên cạnh đó, kiện toàn và nâng cao vai trò trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của hệ thống bộ máy quản lý Nhà nước về lĩnh vực này từ tỉnh đến cơ sở, trong đó phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cấp chính quyền và cơ quan hữu quan. Làm tốt công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về KTTT. Đồng thời, khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp liên kết với HTX, tổ hợp tác và nghiên cứu, triển khai các hình thức “Hội quán nông dân”, “Hội quán hợp tác” để nông dân có điều kiện giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức.

Minh Thông – Đinh Nga

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.