Multimedia Đọc Báo in

Quỹ Hỗ trợ nông dân thị xã Buôn Hồ: Tiếp sức hội viên phát triển kinh tế

08:21, 20/04/2020

Những năm qua, từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), nhiều hội viên nông dân trên địa bàn thị xã Buôn Hồ đã phát triển các dự án, mô hình kinh tế hiệu quả giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Giữa năm 2019, ông Nguyễn Đức Thạch và hai người con của mình (phường Thống Nhất) vay 150 triệu đồng (mỗi người vay 50 triệu đồng) từ nguồn Quỹ HTND thị xã để cùng phát triển chăn nuôi gà đẻ công nghiệp. Với quy mô chăn nuôi 3.000 con gà đẻ trứng, gia đình ông đã đầu tư gần 800 triệu đồng để xây dựng hệ thống chuồng trại và con giống. Sau hơn một năm chăn nuôi, hiện nay trung bình mỗi ngày, trang trại thu khoảng 2.700 quả trứng gà. Với mức giá từ 12.000 - 13.000 đồng/chục trứng, tính ra trang trại đem lại nguồn thu khoảng 3- 4 triệu đồng/ngày, sau khi trừ chi phí cũng còn một khoản lãi nhất định.

Ông Thạch chia sẻ, trước đây cuộc sống của gia đình chủ yếu trông chờ vào việc làm mấy sào rẫy nên cũng khó khăn, từ khi được Quỹ HTND hỗ trợ một phần nguồn vốn, gia đình mạnh dạn vay mượn thêm để đầu tư trang trại chăn nuôi gà nên kinh tế dần ổn định, các con có công việc và nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống.

Trang trại chăn nuôi gà công nghiệp đẻ trứng của hộ ông Nguyễn Đức Thạch.
Trang trại chăn nuôi gà công nghiệp đẻ trứng của hộ ông Nguyễn Đức Thạch.

Tương tự, hộ bà Hoàng Thị Thuyết (thôn Tân Lập, xã Ea Blang) cũng vay vốn Quỹ HTND để chăn nuôi heo. Vào đầu năm 2019, gia đình nuôi nhiều nhất khoảng 15 con heo nái và gần 100 con heo thịt, khi đó giá heo thịt giảm mạnh, đàn heo con không bán được nên bà đành phải giữ lại nuôi. Với đàn heo gần 100 con, trung bình mỗi ngày chi phí thức ăn chăn nuôi cũng lên đến tiền triệu. May sao lúc đó bà đã được vay 40 triệu đồng từ Quỹ HTND để có thêm kinh phí trang trải, duy trì đàn. Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề nuôi heo và thêm cả may mắn nên vào cuối năm 2019, khi đợt dịch tả heo châu Phi bùng phát, đàn heo của gia đình bà Thuyết không bị bệnh. Cùng với đó, giá heo thịt bán ra cũng tăng đã mang lại nguồn thu nhập khá cao cho gia đình.

 
“Nguồn vốn Quỹ HTND đã và đang tiếp thêm động lực để hội viên nông dân mở rộng đầu tư sản xuất và mang lại hiệu quả thiết thực; nhất là đối với các mô hình phát triển chăn nuôi vừa và nhỏ”.
 
Ông Trương Đình Ry Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Buôn Hồ

Theo ông Trương Đình Ry, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Buôn Hồ, tính đến nay Quỹ HTND thị xã đã hỗ trợ cho 16 dự án với 102 lượt hộ dân vay vốn phát triển sản xuất, tổng kinh phí trên 2,7 tỷ đồng. Trong đó, có 6 dự án vay trồng trọt, 7 dự án chăn nuôi, 2 dự án thủy sản và 1 dự án loại hình khác với mức vay tùy theo mô hình từ 15 - 50 triệu đồng; thời gian vay từ 2 - 3 năm, lãi suất 0,7%/tháng. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND, Hội Nông dân thị xã Buôn Hồ đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, giám sát và hỗ trợ các hội viên vay vốn phát triển mô hình kinh tế; đồng thời, phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, tiến bộ kỹ thuật, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, giúp nông dân phát triển sản xuất, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho gia đình.

Mô hình chăn nuôi heo của gia đình bà Hoàng Thị Thuyết.
Mô hình chăn nuôi heo của gia đình bà Hoàng Thị Thuyết.

Có thể thấy, từ nguồn vốn vay này, hội viên nông dân đã mạnh dạn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững, thiết thực góp phần xây dựng nông thôn mới. Hơn thế nữa, từng bước khẳng định vai trò, vị thế của Hội Nông dân, tạo niềm tin và sự gắn bó của hội viên với tổ chức hội.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.