Tầm nhìn kết nối từ cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang
Hiện nay, tỉnh và các đơn vị liên quan đang tập trung nghiên cứu, lựa chọn phương án phù hợp để hướng đến xây dựng tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang, phục vụ công tác điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam nói chung, tuyến cao tốc kết nối các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ nói riêng trong tương lai.
Theo báo cáo tại Hội thảo lần 1 về Dự án đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang do Thường trực Tỉnh ủy tổ chức thì quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng năm 2030, đoạn qua tỉnh Đắk Lắk chỉ có tuyến cao tốc phía Tây dài khoảng 125 km. Do đó, chưa có quy hoạch hệ thống cao tốc trục ngang kết nối giữa Buôn Ma Thuột nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung với khu vực Nam Trung Bộ.
Cũng theo nhận định tại hội thảo này, do đặc điểm địa hình nên hệ thống giao thông kết nối giữa Tây Nguyên và Nam Trung Bộ khó phát triển loại hình giao thông đường thủy, hạn chế trong phát triển đường sắt và hàng không, tiềm năng lớn nhất là giao thông đường bộ. Tuy nhiên, lĩnh vực giao thông đường bộ cũng chỉ tập trung ở các trục dọc hai đầu là Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14. Các trục ngang thiếu về mật độ (chỉ có Quốc lộ 29 và Quốc lộ 26) quy mô, cấp đường IV-III miền núi, nhiều đoạn đường hạn chế do đèo dốc quanh co.
Đèo Phượng Hoàng nối hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa. Ảnh: Đặng Bá Tiến |
Căn cứ vào Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16-12-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Công văn số 22-CV/BCSĐ, ngày 22-1-2020 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xin ý kiến thực hiện thủ tục đề nghị bổ sung quy hoạch đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang; Thông báo số 3633-TB/TU, ngày 4-2-2020 của Thường trực Tỉnh ủy về việc bổ sung quy hoạch đường cao tốc…, đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Tư vấn Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) đã đưa ra các phương án về xây dựng tuyến đường này.
Theo đó, có 3 phương án được đưa ra gồm: phương án 1 (gồm 1A và 1B) tổng chiều dài toàn tuyến 105 km; phương án 2 tổng chiều dài 110 km và phương án 3 tổng chiều dài 150 km. Tại Hội thảo lần 1, tất cả các đại biểu tham gia đều nhất trí với phương án 1A vì khoảng cách ngắn nhất, chi phí xây dựng, vận hành, khai thác thấp nhất.
Theo đơn vị tư vấn, đây là phương án có bình đồ tuyến ít quanh co nhất, với tổng chiều dài đoạn thẳng 45 km/105 km (đoạn này đạt tốc độ 120 km/giờ), tốc độ trung bình toàn tuyến 95,5 km/giờ; tổng thời gian lưu thông trên tuyến về lý thuyết khoảng 1,1 giờ (thực tế khoảng 1,5 giờ), tổng mức đầu tư 19.500 tỷ đồng. Về phương án giải phóng mặt bằng, do tuyến chủ yếu đi qua khu vực đất nông nghiệp, đất rừng nên chi phí không lớn, dự kiến khoảng 600 tỷ đồng. Phạm vi giải phóng mặt bằng dự kiến (giai đoạn đầu xây dựng gồm 4 làn xe, nền đường rộng 24,75 m) từ chân taluy đường cao tốc ra 3 m hoặc từ chân taluy đường gom ra mỗi bên 1 m.
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường (giữa) và các đại biểu khảo sát Dự án đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang trên bản đồ tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Gia |
Theo phương án này, điểm đầu của công trình tại km 12+450 tuyến tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột đoạn qua huyện Krông Pắc, điểm cuối giao với đường cao tốc Bắc Nam phía Đông (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) dự kiến đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2025. Ưu điểm của phương án này là điểm đầu nằm gần Quốc lộ 26 và Quốc lộ 27, thuận lợi cho các phương tiện khi vào thành phố hoặc đến Sân bay Buôn Ma Thuột; điểm cuối tại đường cao tốc Bắc Nam phía Đông nằm trung gian giữa TP. Nha Trang và cảng Vân Phong thuận lợi cho phát triển du lịch và vận chuyển hàng hóa đến cảng biển.
Ông Đỗ Quang Trà, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, với phương án này, để bảo đảm điều kiện chuyển độ chênh cao giữa vùng Tây Nguyên và đồng bằng thì cần phải kéo dài đoạn tuyến cục bộ tại 2 vị trí hầm chui và độ dốc dọc theo quy trình thiết kế đường cao tốc, dẫn đến tuyến có 2 đoạn quanh co. Để khắc phục nhược điểm này, Sở đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu, bổ sung hướng tuyến đoạn km 66 thay vì đi theo hướng dọc sông Chò (chảy qua địa phận 2 tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa), thì chuyển hướng chạy dọc sông Giang qua huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa), kết nối với cao tốc Bắc Nam. Về quy mô tuyến cao tốc, Sở đề nghị điều chỉnh quy mô cấp 80 - 120 km/giờ, gồm 6 làn xe, nền đường rộng 32,25 m để có cơ sở trình Bộ GTVT xem xét bổ sung vào quy hoạch đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Quốc lộ 26 đoạn qua xã Ea Trang (huyện M'Đrắk). Ảnh: Hoàng Gia |
Trong khuôn khổ buổi hội thảo góp ý lần 1, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường khẳng định, đầu tư xây dựng đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật giao thông hiện đại, an toàn, hiệu quả. Đây là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh – quốc phòng của khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Cùng với đó, phục vụ nhu cầu vận tải nhanh, an toàn, thúc đẩy phát triển du lịch, kết nối giữa “rừng” với “biển”. Để bảo đảm tiến độ hoàn thành nhiệm vụ lập hồ sơ trình Bộ GTVT xem xét, bổ sung đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang vào quy hoạch đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đề nghị UBND tỉnh sớm cho chủ trương lập hồ sơ và chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu cho tỉnh phân khai nguồn vốn thực hiện. Đồng thời, đơn vị tư vấn sớm làm việc với Sở GTVT Khánh Hòa để thống nhất phương án tuyến.
Theo phương án 1A, đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang đi qua 5 huyện thuộc tỉnh Đắk Lắk với tổng chiều dài 89,3 km gồm các huyện: Cư Kuin, Krông Pắc, Ea Kar, Krông Bông, M’Đrắk; và huyện Khánh Vĩnh thuộc tỉnh Khánh Hòa với chiều dài 15,7 km. |
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc