Multimedia Đọc Báo in

Thu nhập khá từ nuôi gà Đông Tảo

06:35, 13/04/2020

Bà Lê Thị Ngọc Hà ở thôn 15 (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) đã học hỏi và nuôi thành công giống gà Đông Tảo xuất bán ra thị trường, đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trước đây, bà Hà cũng từng nuôi lợn, trồng cà phê, hồ tiêu... để phát triển kinh tế gia đình nhưng đều không hiệu quả. Năm 2016, sau khi được người thân giới thiệu về giá trị mà giống gà Đông Tảo mang lại, bà Hà đã bỏ ra 15 triệu đồng đặt mua 100 con gà giống từ tỉnh Hưng Yên về nuôi thử nghiệm.

Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm cùng với sự khác biệt về khí hậu, môi trường sống nên gà chậm lớn, tỷ lệ sống chỉ đạt 50%. Để nuôi gà đạt hiệu quả hơn, bà Hà đã đi học hỏi một số hộ đã nuôi thành công, đồng thời lên mạng Internet để tìm hiểu về đặc tính sinh trưởng và cách chăm sóc giống gà này. Rút kinh nghiệm từ lần nuôi đầu và tuân thủ các biện pháp vệ sinh, tiêm vắc xin đầy đủ nên các lứa gà sau này của bà phát triển khỏe mạnh, ít bệnh tật.

Bà Hà cho biết, thịt gà Đông Tảo ngon ngọt, săn chắc nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Với chất lượng thịt vượt trội nên giá bán cao hơn rất nhiều lần so với gà thường, khoảng 300.000 đồng/kg. Gà nuôi từ 6-8 tháng là có thể xuất bán, đạt trọng lượng từ 4-5 kg/con.

Bà Hà  chăm sóc  đàn gà  Đông Tảo.
Bà Hà chăm sóc đàn gà Đông Tảo.

Nhận thấy việc nuôi gà Đông Tảo đem lại hiệu quả kinh tế cao, bà Hà đã mạnh dạn đầu tư xây dựng thêm hệ thống chuồng trại để mở rộng quy mô chăn nuôi. Ngoài ra, bà còn mua sắm 2 máy ấp trứng để chủ động được nguồn giống. Hiện tại, bà đang sở hữu trang trại rộng 100 m2 với hơn 100 con gà. Ngoài bán gà thịt, bà Hà còn cung cấp gà sinh sản cho người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh với mức giá dao động từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/con. Đối với những con gà trống chân to, đẹp có giá từ 5-7 triệu đồng/con. Mô hình nuôi gà Đông Tảo đã đem lại cho bà Hà lợi nhuận ổn định hơn 100 triệu đồng/năm.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.